THẾ GIỚI 24H: Mỹ xây hai căn cứ không quân ở miền Bắc Syria

Ảnh: US Navy
Ảnh: US Navy
TPO - Mỹ sắp hoàn tất việc thiết lập một căn cứ không quân tại miền Bắc Syria do người Kurd kiểm soát và đang triển khai xây dựng căn cứ thứ hai phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự.

Trang tin BasNews của người Kurd dẫn một nguồn tin từ Các lực lượng Dân chủ Syria - liên minh do người Kurd chống lưng - cho biết Mỹ đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc tại một đường băng ở thị trấn Rmeilan thuộc tỉnh Hasaka, trong khi đó một căn cứ không quân mới đang được xây dựng tại phía Đông Nam thành phố Kobani, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngày 6/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã tiến hành điện đàm, trong đó hai bên hoan nghênh "tiến bộ thực sự" trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ghi rõ: "Hai bên đã đánh giá tích cực về những tiến bộ thực sự trong việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn trên lãnh thổ Syria. Thỏa thuận ngừng bắn nói chung đang được tôn trọng và đã giúp giảm đáng kể bạo lực." 


Ngày 6/3, Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc (dự kiến bắt đầu ngày 7/3), đồng thời tuyên bố Washington sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, cuộc diễn tập này là "hành động thao dượt chiến tranh nguy hiểm, làm lộ rõ bản chất hiếu chiến của các nước này".


Giáo sư Robert Pape, Giám đốc Dự án Chicago về an ninh và khủng bố, cho biết “Nhà nước Hồi giáo” (IS) có chủ định nhằm vào các thành viên trong liên minh tham gia không kích tổ chức này ở Iraq và Syria. Theo ông, trong vòng 4-6 tháng tới, IS có thể sẽ tìm cách thực hiện những cuộc tấn công phức hợp chống lại những nước có hành động quân sự chống lại chúng. Dù chỉ đóng một vai trò rất nhỏ, song Australia vẫn hoàn toàn có thể nằm trong tầm ngắm của IS, bởi nhóm này có một số lý do cho logic chiến lược của mình.


Tổ chức IS ngày 6/3 đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom liều chết trước đó cùng ngày nhằm vào trạm kiểm soát an ninh tại cửa ngõ dẫn vào thành phố Hilla, thủ phủ tỉnh Babil, phía Nam thủ đô Baghdad. Tuyên bố về vụ tấn công làm ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương trên được IS đăng tải trên trang web của hãng tin Amaq vốn ủng hộ IS. Người đứng đầu ủy ban an ninh tỉnh Babil Falah al-Radhi cho biết đây là vụ đánh bom nghiêm trọng nhất ở tỉnh này từ trước đến nay.

THẾ GIỚI 24H: Mỹ xây hai căn cứ không quân ở miền Bắc Syria ảnh 1

Cảnh sát Iraq điều tra tại hiện trường vụ đánh bom.

Ngày 6/3, phát biểu khai mạc phiên họp Quốc hội Afghanistan, Tổng thống Ghani cho biết các lực lượng Afghanistan đã đánh bật các phần tử trung thành với IS khỏi những khu vực thuộc tỉnh Nangarhar, giáp giới với Pakistan. Ông tuyên bố Afghanistan sẽ là "mồ chôn" IS. Các lực lượng Afghanistan đã tuyên bố chiến thắng sau chiến dịch 21 ngày ở các huyện Achin và Shinwar thuộc tỉnh Nangarhar, đồng thời cho biết đã tiêu diệt ít nhất 200 phiến quân.


Giới chức Macedonia ngày 6/3 đã tiếp tục áp đặt thêm các hạn chế đối với dòng người tị nạn đang tìm cách vượt biên, theo đó, chỉ những người đến từ các thành phố mà họ cho là đang xảy ra chiến sự mới được phép nhập cảnh Macedonia. Theo các hạn chế trên, những người đến từ vùng chiến sự, như thành phố Aleppo (Syria), có thể được di chuyển từ Hy Lạp sang Macedonia, song những người đến từ thủ đô Damascus (Syria) hoặc thủ đô Baghdad (Iraq) sẽ bị chặn lại. 


Thứ trưởng Quốc phòng Nga Tatiana Shevtsova cho biết Moscow sẽ cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng trong năm 2016. Biện pháp trên, nếu được Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận, sẽ là lần cắt giảm chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ khi ông Putin cầm quyền năm 2000. Quyết định cắt giảm tới 5% nói trên cho thấy ngay cả các lực lượng vũ trang cũng không tránh khỏi những tác động từ nền kinh tế phát triển chậm chạp của Nga, vốn đang chao đảo do tình trạng giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.


Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng cuộc bỏ phiếu để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế của Anh, châu Âu và toàn cầu. Bộ trưởng Schaeuble nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ phải trải qua nhiều năm cho các cuộc đàm phán khó khăn nhất và cũng là khó khăn lớn đối với cả EU. Trong nhiều năm, chúng ta sẽ gặp phải tình trạng bấp bênh như vậy, sẽ dẫn đến hủy hoại nền kinh tế Anh, lục địa châu Âu và cả nền kinh tế toàn cầu."


Một phụ nữ người Mỹ được xác nhận đã bị nhiễm virus Zika, loại virus có thể gây dị tật thai nhi, trong thời gian ở Philippines hồi đầu năm nay. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm loại virus nguy hiểm này tại Philippines trong nhiều năm qua. Trong một thông cáo, Bộ trưởng Y tế Philippines Janette Garin cho biết đã được Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo về trường hợp trên.

MỚI - NÓNG