Trên trang mạng Twitter, NBS nêu rõ: "3 tàu quân sự của Nga gồm Andromeda, Kilektor-1 và Bira đã bị phát hiện ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Latvia". Tất cả những tàu này là tàu hậu cần thuộc Hạm đội Baltic của Nga. Hôm 15/9, các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay đã phát hiện 1 máy bay trinh sát Il-20 của Không quân Nga bay trên vùng biển trung lập thuộc biển Baltic gần biên giới của Latvia.
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho rằng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới biên giới Nga-Ukraine là không hợp lý. Trước đó, Tổng thống Putin đã đề xuất triển khai lực lượng Liên hợp quốc tới miền Đông Ukraine để bảo vệ phái bộ giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, đồng thời giúp chấm dứt xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai.
Vụ Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản mới đây đã kích hoạt hệ thống báo động người dân tìm nơi trú ẩn, nhưng cả Tokyo lẫn Washington đều không cố gắng bắn hạ tên lửa đó. Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định họ có thể bắn hạ tên lửa bay về phía họ, nhưng giới chức hai nước nói rằng vụ phóng gây kích hoạt hệ thống báo động hôm thứ Sáu tuần qua chưa chạm đến ngưỡng đó. Nếu Mỹ và các đồng minh “xác định đó là mối đe dọa trực tiếp, chúng tôi đã bắn hạ nó”, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning nói. (XEM CHI TIẾT)
Ngày 17/9, giới chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng nước này Shinzo Abe đang xem xét khả năng tổ chức bầu cử sớm vào tháng 10 tới. Theo các quan chức chính phủ, trả lời trước Chủ tịch đảng Công minh Natsuo Yamaguchi, ông Abe cho biết không loại trừ khả năng sẽ giải tán Hạ viện sớm nhất là vào ngày 28/9 tới phiên họp bổ sung của Quốc hội được triệu tập.
Lãnh đạo quân đội Myanmar vừa kêu gọi đất nước đoàn kết trước vấn đề người Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo không được coi là có nguồn gốc ở nước này. Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar, viết trên Facebook cuối tuần qua rằng những người này “đòi được công nhận là tộc người Rohingya, trong khi họ chưa bao giờ là một nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar”. Ông Min Aung Hlaing cũng kêu gọi cả nước đoàn kết trong vấn đề này. (XEM CHI TIẾT)
Nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo nước này sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ "hành động sai trái" nào của Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức).
Qatar đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay chiến đấu Typhoon của Anh. Đây là hợp đồng mua vũ khí lớn thứ hai của Doha kể từ đầu tháng 6, thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Doha với các nước láng giềng Arab vùng Vịnh. Một thông cáo báo chí của Chính phủ Anh cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khaled bin Mohammed al-Attiya và người đồng cấp của Anh Michael Fallon đã ký tại Doha một bản tuyên bố về ý định mua bán những chiếc máy bay này.
Iran khẳng định nước này nắm trong tay “cha của các loại bom” nặng 10 tấn, có thể vượt mặt GBU-43/B- “bom mẹ” thuộc quân đội Mỹ. Chỉ huy Lực lượng Không quân của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết “cha của các loại bom” do chính Iran sản xuất.