Theo một nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp Francois Hollande, sau cuộc điện đàm 3 bên kéo dài 45 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là chưa “đầy đủ”. Nguồn tin trên cho biết “Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã nêu sự cần thiết phải gây sức ép lên nhiều bên” do chưa có tiến triển “đầy đủ”.
Ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ thất vọng về việc Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh trừng phạt Moscow, coi đây là hình thức "vận động" chống Nga. Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ: "Chúng tôi thực sự thất vọng với quan điểm vận động chống Nga thông qua quyết định kéo dài các đòn trừng phạt phi lý, một lần nữa đang chi phối EU".
Thiếu tướng Andriy Taran nói trong một thông báo phát đi từ trụ sở của Bộ Tư lệnh các hoạt động quân sự đặc biệt của Kiev rằng: “Kho chứa phóng xạ nằm gần Donetsk đang gây quan ngại lớn”. Thông báo cho biết một vụ nổ xảy ra tại nhà máy hóa chất Donetsk trong ngày 16/6 đã dẫn tới việc kho chứa phóng xạ bị hư hại. "Tình hình đang khiến phía Ukraine lo ngại bởi khả năng rò rỉ phóng xạ rất nguy hiểm tới sức khỏe và cuộc sống của nhiều người dân thường trong khu vực,” ông Taran nói. Vị Thiếu tướng cũng kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) giám sát tình hình rò rỉ phóng xạ trong khu vực.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 22/6 tuyên bố trong tuần này, NATO sẽ thông qua các kế hoạch tăng hơn gấp đôi quy mô của Lực lượng phản ứng nhanh. Trước đó, tổ chức này từng thành lập một đơn vị xung kích đặc nhiệm từ sau từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Phát biểu trước thềm hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ diễn ra vào ngày 24-25/6 tại Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nói: “Các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ đưa ra quyết định nhằm tăng cường thêm sức mạnh và năng lực chiến đấu của Lực lượng phản ứng nhanh lên đến 30.000-40.000 binh sỹ, tăng hơn gấp đôi quy mô hiện nay của lực lượng này”.
Ngày 22/6 tại thủ đô Berlin (Đức), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng nỗ lực của Washington về việc bố trí thiết bị quân sự hạng nặng ở Đông Âu là một động thái “quan trọng” nhằm hỗ trợ ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga. Ông Carter nhấn mạnh rằng mục đích của Washington là nhằm trấn an các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở bên sườn phía Đông của châu Âu, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski ngày 22/6 đã bổ nhiệm Trung tướng Marek Tomaszycki làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của nước này trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ông Komorowski ngày 22/6 cho biết, việc bổ nhiệm này là một phản ứng trước những mối đe dọa đang gia tăng và sự bất ổn trong khu vực. Động thái mới này xuất phát từ những quy định mới đối với các lực lượng vũ trang Ba Lan do ông Komorowski đề xuất.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 22/6 cho biết, đàm phán giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân của Tehran có thể hoàn tất vào thời hạn chót là ngày 30/6 hoặc muộn hơn một chút. Phát biểu bên lề cuộc gặp các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Luxembourg, ông Zarif nêu rõ: "Chúng tôi có thể hoàn tất (đàm phán) vào thời hạn chót hoặc vài ngày sau đó”.Mỹ cùng ngày tuyên bố thời hạn chót là ngày 30/6 để các bên đàm phán đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế các năng lực hạt nhân của Iran có thể cần phải điều chỉnh.
Ngày 22/6, một phụ nữ trẻ đã đánh bom tự sát tại một trạm xe buýt ở Maiduguri, thủ phủ bang Borno, miền Đông Bắc Nigeria, làm ít nhất 20 người thiệt mạng và 50 người bị thương. Nhiều khả năng phiến quân Boko Haram đã tiến hành vụ đánh bom trên. Vụ tấn công khủng bố xảy ra gần một chợ cá ở khu vực đường Baga - nơi nhiều lần là mục tiêu của các vụ nã bom, pháo và đánh bom liều chết.
Ngày 22/6, Saudi Arabia đã ghi nhận thêm sáu trường hợp tử vong do Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) cùng bảy ca nhiễm mới trong tuần từ ngày 14-20/6 vừa qua. Hãng thông tấn chính thức SPA dẫn thông cáo hàng tuần của Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết, tất cả các trường hợp tử vong và nhiễm mới nói trên đều là công dân nước này, tập trung tại thành phố miền Đông Hofoof và thủ đô Riyadh. Theo thống kê của Bộ Y tế Saudi Arabia, tính đến ngày 20/6, đã có 1.038 người tại nước này đã bị nhiễm MERS, trong đó số người tử vong là 459 người (44,2%), 572 người đã bình phục (55,2%) vẫn còn bảy người đang được chữa trị.
Ngày 22/6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do MERS, 3 trường hợp mới nhiễm bệnh này. Trong số hai người mới tử vong do MERS có một người đàn ông 97 tuổi vốn đang mắc nhiều bệnh, trong đó có cả ung thư. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, hơn 90% số ca tử vong là những người già hoặc đang mắc bệnh và những bệnh này trở nên trầm trọng hơn khi họ nhiễm MERS. Các trường hợp mới nhiễm MERS đều là những người đã bị nghi lây nhiễm sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân MERS bởi hầu như các vụ lây đều xảy ra tại bệnh viện.