THẾ GIỚI 24H: Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc đột ngột qua đời

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Ngày 20/2, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Trưởng phái đoàn thường trực Nga tại Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Vitaly Churkin đã "đột ngột" qua đời tại New York (Mỹ), một ngày trước sinh nhật lần thứ 65 của ông.

Bộ trên chưa cho biết chi tiết về nguyên nhân ông Churkin qua đời. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ một bệnh viện ở khu trung tâm Manhattan của thành phố New York, khoảng 9 giờ 30 phút sáng 20/2 (giờ địa phương), ông Churkin được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh do bị đau tim nghiêm trọng. Trong khi đó, đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres cho biết các quan chức LHQ "sốc" trước thông tin Đại sứ Nga qua đời và đã ngay lập tức gửi điện chia buồn tới Moscow.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Washington không có kế hoạch chiếm giữ các mỏ dầu của Iraq. Tuyên bố trên được cho là nhằm trấn an các đối tác trước khẳng định trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ có thể chiếm giữ mỏ dầu Iraq nhằm trang trải chi phí chiến tranh cũng như tước đoạt nguồn doanh thu quan trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: "Tất cả người dân Mỹ đều phải trả phí ga và xăng dầu và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai".


Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ngày 20/2, các máy bay nước này đã tiến hành không kích nhằm vào phiến quân Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng bị Ankara cấm hoạt động, tại miền Bắc Iraq, tiêu diệt 34 tay súng trong 2 vụ oanh tạc khác nhau.


Đại diện cơ quan chỉ huy chiến dịch chống khủng bố miền Đông Nam Ukraine, ông Leonid Matyukhin ngày 20/2 cho biết, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không rút quân và tiếp tục duy trì lệnh ngừng bắn ở vùng Donbass. Theo lời ông Matyukhin, Kiev đưa ra quyết định như trên liên quan tới việc lực lượng chủ trương ly khai Ukraine thường xuyên tổ chức các hoạt động bắn phá vị trí của quân đội Ukraine. (XEM CHI TIẾT)


Phương Tây đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Nga công nhận giấy tờ tùy thân và nhiều loại giấy tờ khác do lực lượng đòi độc lập tại các khu vực Lugansk và Donetsk thuộc miền Đông Ukraine cấp. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert nêu rõ lập trường của Berlin coi sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận các loại giấy tờ do hai nước CHND Lugansk và Donetsk tự xưng cấp là gây ảnh hưởng đến sự thống nhất của Ukraine. Bộ Ngoại giao Pháp cũng nhấn mạnh "lấy làm tiếc về quyết định này".


Bốn cố vấn quân sự Nga hy sinh, hai người bị thương trong vụ đánh bom xe xảy ra ở thành phố Homs của Syria hôm 16/2. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 20/2 cho biết, chiếc xe chở các cố vấn Nga chạy trong đoàn xe của quân đội Syria từ khu vực sân bay Tiyas hướng tới thành phố Homs. Sau khi chạy được khoảng 4 km, bom điều khiển từ xa cài dưới chiếc xe chở các cố vấn quân sự Nga phát nổ. (XEM CHI TIẾT)


Hãng PTI dẫn bản báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 20/2 cho thấy Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua và hoạt động mua sắm của nước này lớn hơn nhiều so với các nước láng giềng là Trung Quốc và Pakistan. Cụ thể, theo báo cáo, Ấn Độ chiếm 13% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2012-2016, cao nhất trong tất cả các nước. 


Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết, thông số kỹ thuật của tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga ở một đẳng cấp trên so với các dòng xe tăng hiện đại nhất hiện nay của Mỹ, Israel và châu Âu. “So sánh các dòng xe tăng chiến đấu hiện nay, chúng tôi chắc chắn đang chiếm ưu thế. Tất nhiên, đặc điểm kỹ thuật của T-14 Armata vượt trội so với xe tăng của Mỹ và Israel. Tôi không nói về xe tăng của châu Âu”, ông Rogozin khẳng định. (XEM CHI TIẾT)

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG