THẾ GIỚI 24H: Cánh hữu Ukraine muốn Tổng thống Poroshenko từ chức

Uy tín của Tổng thống Ukraine Poroshenko ngày càng giảm sút sau 1 năm cầm quyền
Uy tín của Tổng thống Ukraine Poroshenko ngày càng giảm sút sau 1 năm cầm quyền
TPO - Thủ lĩnh tổ chức cực đoan Cánh Hữu (Pravyi Sector) ở Ukraine, ông Dmitry Yarosh ngày 17/7 cho rằng cần thảo luận về khả năng cách chức Tổng thống nước này, ông Petro Poroshenko.

Hãng tin RIA Novosti của Nga dẫn lời ông Yarosh nói: "Tôi thấy Tổng thống Ukraine không ở đúng cương vị của mình - không phải là tổng tư lệnh, cũng chẳng phải người lãnh đạo đất nước hiệu quả”. "Theo quan điểm của tôi, và tôi sẽ nêu điều này tại đại hội của Pravyi Sector, đã cần nói tới việc tổng thống từ chức, giải tán Verkhovna Rada (Quốc hội) và, miễn nhiệm chính phủ​," ông này nói.


Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF), Đô đốc Katsutoshi Kawano đã bày tỏ bất bình trước phát biểu của Trung Quốc liên quan tới việc Ủy ban Hạ viện Nhật Bản thông qua các dự luật an ninh gây tranh cãi hôm 16/7, đồng thời nhấn mạnh rằng những dự luật này không nhằm mở rộng sức mạnh quân sự của Tokyo. Phát biểu tại một sự kiện do nhóm chuyên gia cố vấn Washington tổ chức, ông Kawano cho hay các dự luật trên “không phải để Nhật Bản tự do phát triển quân sự mà chỉ nhằm củng cố liên minh Nhật-Mỹ”.


Tổng Công tố Hà Lan Wim de Brun đang cân nhắc 2 kịch bản dẫn tới vụ máy bay MH17 rơi ngày 17/7/2014 gần Donetsk. Theo đó, máy bay trên bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không hoặc bằng tên lửa không đối không. Theo ông De Brun, kết quả điều tra sơ bộ có thể được công bố vào cuối năm 2015 và kết quả điều tra cuối cùng chỉ có thể được công bố vào năm 2016. Hiện Hà Lan đứng đầu nhóm điều tra quốc tế về thảm kịch hàng không trên, bao gồm cả các chuyên gia của Nga, Malaysia, Mỹ, Anh và Australia. 


Ngày 17/7, Tổng Công tố Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng đã công bố các tài liệu điều tra nguyên nhân thảm họa máy bay Boeing của Hãng hàng không Malaysia Airlines khiến 298 người thiệt mạng. Trong số tài liệu trên, có các hình ảnh, kết luận pháp y, biên bản xem xét hiện trường vụ tai nạn. Phần lớn các tài liệu do DPR công bố là biên bản lời khai của nhân chứng. Theo Hãng tin Donetsk, lời chứng thực của đa số các nhân chứng đều giống nhau, đó là sự xuất hiện của một chiếc máy bay khác trong không trung vào thời điểm xảy vụ tai nạn thảm khốc này.


Một tòa án Nga ngày 17/7 đã phê chuẩn lệnh bắt giữ vắng mặt nghị sỹ duy nhất bỏ phiếu phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Nghị sỹ Ilya Ponomaryov, hiện đang sống ở Mỹ, bị cáo buộc đồng lõa trong vụ biển thủ 750.000 USD từ Quỹ Skolkovo, dự án công nghệ cao mà Điện Kremlin kỳ vọng sẽ trở thành "Thung lũng Silicon" của Nga. 


Quốc hội Ukraine ngày 17/7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật kêu gọi tổ chức bầu cử địa phương trên khắp cả nước vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này sẽ không diễn ra ở khu vực miền Đông do quân ly khai chiếm đóng. Dự luật được quốc hội Ukraine thông qua này đã nêu rõ các cuộc bầu cử địa phương sẽ không được tổ chức ở bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga hoặc ở các quận miền Đông do quân ly khai chiếm giữ do các quan chức Ukraine không tiếp cận được những khu vực này.


Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan được đẩy lên cao sau khi chính phủ Ấn Độ ngày ra thông báo cho biết nước này và Pakistan đã đình chỉ cấp thị thực ngoại giao cho nhau kể từ cuối tháng 6 vừa qua. Theo truyền thông Ấn Độ, phía Pakistan đã từ chối cấp thị thực cho hai huấn luyện viên yoga của Ấn Độ và sau đó New Delhi đáp trả bằng cách từ chối cấp thị thực cho quan chức Islamabad.


Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom liều chết tại Iraq hôm 17/7 làm hơn 100 người thiệt mạng. Trong số những người thiệt mạng có nhiều trẻ em đang tham dự một buổi lễ kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo tại khu vực Khan Bani Saad, cách thủ đô Bagdad 30 km. Vụ đánh bom cũng khiến nhiều tòa nhà trong khu vực bị đổ sập. Dự kiến số thương vong sẽ tiếp tục tăng lên.


Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách đồng euro Valdis Dombrovskis ngày 17/7 cho biết, EU đã chính thức thông qua khoản vay ngắn hạn trị giá 7,16 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Ông Dombrovskis cũng cho biết EU cam kết với các nước không thuộc eurozone rằng những người đóng thuế của họ sẽ không bị ảnh hưởng. Trả lời báo giới, ông Dombrovskis nói: "Chúng tôi đã có một thỏa thuận về khoản vay bắc cầu... Thỏa thuận này đã được 28 nước thành viên ủng hộ." 


Mỗi người dân Hy Lạp hiện chỉ được rút tối đa 60 Euro mỗi ngày từ các máy rút tiền do chính sách kiểm soát vốn. Số tiền trên thậm chí còn không đủ cho họ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, ngày càng nhiều người Hy Lạp phải chọn cách mai táng cho người thân tại các khu nghĩa trang tập thể với mức chi phí rẻ hơn, khoảng 700 Euro. Tuy nhiên, mức tiền này vẫn là khá cao và nhiều người thậm chí còn phải trả góp từ 20 - 50 Euro mỗi tháng để tìm cho người thân một nơi an nghỉ.

MỚI - NÓNG