THẾ GIỚI 24H: Cánh hữu ở Ukraine dọa đưa quân về Kiev

THẾ GIỚI 24H: Cánh hữu ở Ukraine dọa đưa quân về Kiev
TPO - Thư ký báo chí tiểu đoàn số 12 của Pravyi Sector (Cánh hữu), ông Alekxey Byk cho biết nếu cần, phong trào cực đoan này có thể điều động binh sỹ của mình thuộc các tiểu đoàn dự bị ở Kiev, cũng như thiết lập các chốt kiểm soát xung quanh Kiev và miền Tây Ukraine.

Ông Byk tuyên bố: "Chốt kiểm soát đã xuất hiện trên xa lộ Zhytomyr ở ngoại ô Kiev”.

Trong khi đó, Phát ngôn viên của Cánh hữu Artem Skoropadsky cho biết có thể xuất hiện thêm các chốt kiểm soát khác. Ông nói: "Không chỉ ở ngoại ô Kiev, mà cả ở những điểm để cảnh sát không thể đi qua đó, ở chính khu vực Ngoại Carpath và ngoại ô Kiev. Tôi cho rằng sẽ có thêm các chốt khác nếu cần thiết”.

Ngoài ra, theo ông Skoropadsky, Cánh hữu có thể điều binh sĩ của mình tới Kiev nếu cần. Trong khi đó, chính quyền Ukraine đã gọi vụ việc này là một “hành động khủng bố”. Xung đột giữa Bộ Nội vụ Ukraine và nhóm Cánh hữu bắt đầu vào ngày Thứ Bảy (11/7) sau khi mâu thuẫn liên quan đến buôn lậu thuốc lá biến thành một cuộc đấu súng đẫm máu, làm hàng  chục người thương vong,  trong đó có cả dân thường.


Nhóm nhân quyền tại Nga sẽ sớm đệ trình khoảng 17.000 đơn kiện của người dân Ukraine lên tòa án châu Âu và yêu cầu Kiev bồi thường gần 5,6 tỷ USD.

Chia sẻ với nhật báo Izvestia, nhà hoạt động kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban cứu trợ nhân đạo miền đông nam Ukraine, ông Georgy Fyodorov cho biết mỗi lá đơn đại diện cho một cá nhân hoặc một gia đình. 

Cũng theo ông Fyodorov, Tòa án nhân quyền châu Âu tại Strasbourg đã chấp nhận khoảng 400 đơn kiện và đang xem xét thêm 500 trường hợp khác. Khả năng phiên xử đầu tiên sẽ diễn ra vào thời điểm trước khi kết thúc năm nay. Trung bình mỗi người dân ở Donbas đòi chính quyền Kiev bồi thường là 335.000 USD. Tổng số tiền dự kiến mà chính phủ Ukraine phải bồi thường cho người dân là 5,58 tỷ USD. 


Ít nhất 25 người chết và 10 người bị thương trong một vụ tấn công liều chết gần một căn cứ quân sự Mỹ ở đông Afghanistan.

Kênh truyền hình CNN của Mỹ vừa dẫn lời ông Faizullah Ghairat, Cảnh sát trưởng tỉnh Khost cho hay, vụ tấn công liều chết bằng xe bom này xảy ra gần một căn cứ của liên quân ở thành phố Khost vào tối qua (12/7).

Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng, “chúng tôi được biết về một vụ nổ tại tỉnh Khost và đang tập hợp thêm thông tin”. Trong khi đó, tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Hedayatullah Hamedi, giám đốc bệnh viện tỉnh Khost cho biết, cơ sở y tế này đã tiếp nhận thi thể của ít nhất 17 người Afghanistan, phần lớn họ là phụ nữ và trẻ em.


Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố đã tiến hành vụ đánh bom xe xảy ra ngày 11/7 ở bên ngoài Lãnh sự quán Italy tại Cairo, Ai Cập.

Một thông điệp trên trang mạng Twitter của IS nêu rõ, lực lượng này đã kích hoạt một chiếc xe có chứa 450kg thuốc nổ ở bên ngoài Lãnh sự quán. Tuyên bố cũng lưu ý người Hồi giáo nên tránh xa các địa điểm như Lãnh sự quán, bởi đây là những mục tiêu tấn công thích hợp của IS.


Chính quyền Tunisia công bố việc bắt giữ 127 đối tượng bị nghi dính líu trong cuộc tấn công vào khách sạn du lịch tại thành phố Sousse.

Theo lời Bộ trưởng Kamel Dzhandubi lãnh đạo nhóm chống khủng hoảng của Tunisia, các nghi phạm bị bắt giữ trong quá trình chiến dịch của 700 nhân viên thực thi pháp luật.

Ông nói thêm rằng tham gia bảo vệ cư dân có 100.000 cảnh sát, quân đội và tình nguyện viên. Ông Dzhandubi cũng thông báo rằng gần 3.000 nhân viên công lực được huy động bảo vệ các bãi biển, khách sạn và các danh thắng văn hóa.


Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố thay đổi kế hoạch hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vốn dự kiến ​​vào ngày Chủ nhật, trong đó các nhà lãnh đạo của toàn bộ 28 nước thành viên EU cần thông qua quyết định cuối cùng về tình hình nợ của Hy Lạp.

Ông Tusk viết trên Twitter rằng, cuộc gặp của lãnh đạo 19 nước thuộc khu vực đồng euro trong ngày Chủ nhật vẫn sẽ được tiếp nối và sẽ kéo dài cho đến khi " chúng tôi kết thúc được cuộc đàm phán về Hy Lạp".

Trước đó Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng euro cần thông qua quyết định, liệu có nên bắt đầu chương trình mới dành hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, hoặc là phê chuẩn để quốc gia này ra khỏi khu vực đồng euro.


Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 12/7 cho biết Nga đang xem xét cung cấp nhiên liệu trực tiếp cho Hy Lạp nhằm giúp nước này vực dậy nền kinh tế.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Novak tuyên bố Nga muốn giúp khôi phục nền kinh tế Hy Lạp thông qua mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Hiện Nga đang tiến hành nghiên cứu khả thi về một tuyến đường ống vận chuyển năng lượng trực tiếp cho Hy Lạp và dự án này sẽ sớm được khởi công.


Đến tối qua, cơn bão Chan-hom đã suy yếu sau khi quần thảo khu vực bờ biển phía Đông Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn giữ cảnh báo đối với bão Chan-hom.

Theo Tân Hoa xã, sau khi đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang từ hôm 11/7, bão Chan-hom gây  mưa lớn. Lượng mưa đo được tại tỉnh Chiết Giang từ hôm 11/7 đến 12/7 là 77 mm, tại thành phố Ninh Ba là 217 mm và đặc biệt tại thành phố Dư Diêu là 322 mm.

Hiện chưa có thương vong nào được báo cáo sau bão Chan-hom. Tổng cộng gần 2 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão Chan-hom trong đó hơn 1,1 triệu người phải đi sơ tán. Thiệt hại ước tính do bão Chan-hom gây ra tại Trung Quốc khoảng 940 triệu USD.


Truyền thông Trung Quốc ngày 12/7 đưa tin khoảng 15 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ nổ nhà máy xuất pháo hoa trái phép ở tỉnh Hà Bắc của nước này.

Vụ nổ diễn ra sáng Chủ nhật đã làm vỡ cửa kính của các ngôi nhà nằm cách nhà máy ở thị trấn Dongwang, quận Ningjin, tới cả cây số. Tân Hoa xã cho biết, những vết máu loang lổ khắp hiện trường vụ nổ pháo hoa. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm ở bên trong xưởng sản xuất.


Dự báo mới nhất của Quỹ Bình ổn dân số quốc gia thuộc Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, đến năm 2050, Ấn Độ có thể trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Thống kê của Quỹ Bình ổn dân số cho thấy, tính đến đầu tháng 7 này, dân số Ấn Độ đã lên tới hơn 1.2 tỷ người người, với tỷ lệ tăng 1,6%/năm, chiếm 17,25% tổng dân số toàn cầu. Với tốc độ tăng như vậy, đến giữa thế kỷ này, Ấn Độ có thể trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Tốc độ tăng dân số Ấn Độ cao hơn cả Trung Quốc - nước đông dân nhất thế giới hiện nay với khoảng 1,39 tỷ người. Nếu tỷ lệ tăng dân số tiếp tục như hiện nay, đến năm 2050 Ấn Độ sẽ có 1,63 tỷ người.

MỚI - NÓNG