Sáng 5/12, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM gồm bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM và bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM đã tiếp xúc cử tri quận 4 và huyện Nhà Bè, sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Lấy mống mắt thế nào?
Nêu ý kiến với các ĐBQH, cử tri Đỗ Hùng Chí (phường 6, quận 4) cho biết, Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay cho Luật Căn cước công dân (CCCD). Trong đó, một điểm mới đáng chú ý là khi đi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ phải bổ sung thêm thông tin về mống mắt vào trong cơ sở dữ liệu căn cước.
“Quy định này khiến nhiều người dân thắc mắc như nếu đang dùng thẻ CCCD gắn chip thì cần bổ sung mống mắt hay không và sẽ bổ sung như thế nào, trang thiết bị dùng để thu thập mống mắt có đảm bảo không?”, cử tri Chí bày tỏ băn khoăn và kiến nghị cơ quan chức năng khi thực hiện cập nhật thông tin theo điểm mới của luật cũng như cần đầu tư trang thiết bị đảm bảo nhằm tránh sai sót thông tin của người dân…
Cử tri quận 4 nêu ý kiến với ĐBQH. Ảnh: Ngô Tùng |
Cùng ý kiến, cử tri Trần Thị Thanh (phường 10, quận 4) cho rằng việc Luật Căn cước vừa được thông qua và đổi tên gọi thẻ CCCD thành thẻ Căn cước là điều cần thiết để đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số, đảm bảo thông tin cá nhân. Tuy nhiên bà cũng lưu ý cần quan tâm đến công sức các lực lượng đã bỏ ra khi đã làm việc ngày đêm, cả cuối tuần trong các đợt làm thẻ CCCD gắn chip vừa qua.
Do vậy, với việc đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước tới đây theo quy định với khoảng 80 triệu căn cước phải làm lại, bà Thanh bày tỏ mong muốn “đây là sản phẩm cuối cùng để tránh việc tốn thêm thời gian, kinh phí và công sức của các lực lượng mà hiệu quả không cao”.
Căn cước là giấy tờ cuối cùng trong thời chuyển đổi số
Trả lời các ý kiến cử tri nêu về CCCD, Thượng tá Nguyễn Đình Dương - Phó Giám đốc Công an TPHCM - khẳng định, CCCD hiện vẫn còn hiệu lực sử dụng. Không phải đến 1/7/2024 là hết giá trị, mà giá trị của CCCD căn cứ trên thời hạn của CCCD, vì vậy người dân có nhu cầu hoặc hết hạn vào ngày 1/7/2024 thì mới bổ sung trong 10 trường dữ liệu, trong đó có thu thập mống mắt.
Về điều này, ông Dương cho biết Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể. Việc thu thập trường dữ liệu căn cước sẽ do công an chủ trì thực hiện.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương trả lời ý kiến cử tri. |
Lãnh đạo Công an TPHCM cũng cho hay, đây là Luật Căn cước được Quốc hội ban hành và thông qua nên đây là những giấy tờ cuối cùng của chúng ta trong thời gian chuyển đổi số, thực hiện công dân số trong các giấy tờ tùy thân.
Chia sẻ thêm, Thượng tá Nguyễn Đình Dương cho biết Công an TPHCM đã tiếp nhận rất nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo thông qua công nghệ cao, trong đó có thủ đoạn giả danh các cơ quan thực thi pháp luật để lừa người dân.
Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, hiện phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mới hơn, các đối tượng phân tích được quá trình người dân học tập, lao động, làm việc và cả sở thích để tạo lòng tin, “đánh gục tâm lý” của người dân tại một thời điểm và chiếm trọn quyền kiểm soát lý trí tại thời điểm đó khiến họ nghe theo.
“Vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng, như các đường link lạ thì không được bấm vào hay chia sẻ. Nhiều khi đường link giả mạo tương tự các đơn vị, chỉ khác một số thông số dễ khiến chúng ta ngộ nhận và thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo”, Thượng tá Nguyễn Đình Dương thông tin.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết trao đổi với cử tri. Ảnh: Ngô Tùng. |
Trao đổi thêm, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM - cho biết đối với việc bổ sung mống mắt vào cơ sở dữ liệu dân cư, Chính phủ sẽ có nghị định và Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc này, do đó trước mắt bà con cử tri nên chờ ngành chức năng phối hợp địa phương thông tin đầy đủ cách thức tiến hành, thời gian cũng như việc lấy mống mắt này có kết hợp với đổi thẻ căn cước cho công dân hay không.