Người đã có căn cước công dân có phải đi thu thập mống mắt?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với thẻ căn cước còn hiệu lực, người dân vẫn được sử dụng bình thường, không phải đến cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin.

Thẻ căn cước còn hiệu lực vẫn sử dụng bình thường

Sáng 29/11, tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh trao đổi với phóng viên về việc quy định lấy mống mắt tại Luật Căn cước, vừa được Quốc hội thông qua.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, đây là một trong những điểm mới trong Luật Căn cước vừa được thông qua tại kỳ họp này.

Người đã có căn cước công dân có phải đi thu thập mống mắt? ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Ảnh Như Ý

Theo ông Minh Đức, thông tin về mống mắt sẽ được cơ quan chức năng thu thập bằng thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Khi người dân làm mới, cấp đổi lại thẻ căn cước, cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm giàu thông tin trong cơ sở dữ liệu cư dân quốc gia.

Cũng theo ông Đức, Điều 46, Luật Căn cước có 4 khoản quy định về việc chuyển tiếp. Theo đó, với thẻ căn cước còn hiệu lực, người dân vẫn được sử dụng bình thường, không phải đến cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin. Trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, thay, đổi thẻ căn cước sẽ đến cơ quan chức năng để được hướng dẫn.

43% vụ tai nạn liên quan tới nồng độ cồn

Liên quan tới việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe máy, phóng viên đặt vấn đề, tại dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến, nhiều đại biểu cho rằng, đây là việc khó khả thi, gây tốn kém.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Minh Đức cho hay, đây là quan điểm của cơ quan trình dự luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh có nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này.

Cơ quan soạn thảo sẽ có trách nhiệm đánh giá tác động để quy định trong luật vừa quản lý xã hội, vừa đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, ông lưu ý, quy định này vẫn nằm trong dự thảo nên đang xin ý kiến rộng rãi. Dự án luật sẽ còn tổ chức nhiều tọa đàm để thảo luận nhiều chiều, trước khi đi tới “chân lý” cuối cùng.

Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng đặt vấn đề, trong dự thảo Luật An toàn giao thông đường bộ có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Thời gian qua, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia có quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia trước, trong khi lái xe. Để có sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, luật ra sau phải lấy nguồn từ luật trước. Trên cơ sở đó, cơ quan làm luật đã lấy căn cứ để đưa vào dự thảo luật.

“Quan điểm của cơ quan thẩm tra là tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật”, nhấn mạnh điều này, ông Đức thông tin, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã có tổng kết: 43% các vụ tai nạn, vi phạm giao thông nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nồng độ cồn. Do đó, ông hy vọng tiếp tục tuyên truyền để ủng hộ nội dung này.

MỚI - NÓNG