Quy định nghiêm cấm nồng độ cồn khi lái xe gây nhiều tranh luận

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 24/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Cần quy định ngưỡng để xử phạt

Nêu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình) nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công an rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế các vụ tai nạn thương tâm xảy ra, góp phần xây dựng nhận thức thói quen của người dân trong việc tham giao thông, hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Việc này đã tạo niềm tin rất lớn cho cử tri, nhân dân. “Ngoài ra, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn còn làm tăng thu ngân sách. Vì vậy, tôi thống nhất như quy định tại dự thảo luật”, ĐB Ngọc cho hay.

Quy định nghiêm cấm nồng độ cồn khi lái xe gây nhiều tranh luận ảnh 1

Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đường Láng vào tháng 8/2022 khiến 8 người bị thương. Tại thời điểm gây tai nạn, lái xe được xác định có nồng độ cồn ở mức 0,9mg/lít khí thở

Cùng mối quan tâm, ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, 10 năm xảy ra 39 nghìn vụ, làm chết 34 nghìn người, trung bình mỗi năm 9 nghìn người chết, ngoài ra còn xảy ra ách tắc giao thông, vì vậy cần hoàn thiện khung pháp lý cho TTATGT.

Về hơi thở nồng độ cồn, theo ông, đây là vấn đề cử tri còn băn khoăn. Đồng ý quy định xử phạt, song theo ông, rượu, bia chỉ có tác hại khi sử dụng quá mức thôi, còn sử dụng ít thì không có hại. Vì vậy, ông đề nghị quy định ngưỡng đến một mức nào đó mới xử phạt.

Trước những băn khoăn về vấn đề nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tranh luận tại phiên thảo luận, ĐBQH Bế Trung Anh (tỉnh Trà Vinh), cho rằng, rượu chỉ là một tác nhân ảnh hưởng đến năng lực hành vi. Nếu dùng rượu nhiều quá mới ảnh hưởng, không điều khiển được năng lực hành vi, còn nếu dùng ở mức độ vừa phải, ví dụ như “chỉ nếm rượu thì chắc vẫn ổn”.

Theo ông, cần phân biệt hai chuyện là năng lực hành vi và dùng rượu hay không dùng rượu. “Nếu chúng ta muốn kiểm soát toàn bộ các tác nhân gây ra năng lực hành vi yếu kém thì không chỉ có rượu, ví dụ như cocain…thậm chí có anh đi trên đường, chỉ nghĩ đến vợ mà đã tim đập, chân run, không thể điều khiển xe nữa. Tôi nghĩ chúng ta nên có kiểm soát việc này”, ông Bế Trung Anh nói.

Quy định nghiêm cấm nồng độ cồn khi lái xe gây nhiều tranh luận ảnh 2

ĐBQH Bế Trung Anh (tỉnh Trà Vinh) Ảnh: Như Ý

Bộ Y tế, KH&CN cần có trả lời chính thức

Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, không nên quy định “tuyệt đối và cứng nhắc” mà nên theo luật cũ, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hoặc hơi thở, khi vượt mới bị phạt. Theo ông, nếu một người uống một ly nước nho với đường nhằm giúp tiêu hóa thức ăn, khi đó họ vẫn có nồng độ cồn, bị xử phạt, dù trên thực tế họ không hề uống rượu bia.

“Quy định như vậy là chưa hợp lý, thuyết phục và sẽ xảy ra nhiều cuộc tranh cãi giữa các bên khi bị thổi nồng độ cồn. Thực tế cũng có trường hợp xảy ra”, ông Bình nói.

Tranh luận lại sau đó, nhiều đại biểu ủng hộ quy định cấm trong dự thảo luật. ĐBQH Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang) phân tích, những tác hại của người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn là rất lớn, 50% tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc người tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn. Theo ông, quy định của luật cần tường minh để người dân dễ kiểm chứng, đánh giá việc mình có vi phạm hay không.

Quy định nghiêm cấm nồng độ cồn khi lái xe gây nhiều tranh luận ảnh 3

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Như Ý

“Việc lựa chọn quy định có ngưỡng hay không có ngưỡng thì phương án cấm sẽ tường minh và dễ chấp hành, người dân biết được mình vi phạm hay không vi phạm.

Mặt khác, việc cho phép uống rượu ở mức nào đấy sẽ thúc đẩy hành vi vi phạm. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nước ta chưa cao. Việc quy định cấm sẽ phù hợp hơn”, ông Thịnh nêu ý kiến, đồng thời nhấn mạnh, quy định này không mới, mà đã được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thời gian gần đây mới quyết liệt thực hiện đã mang lại hiệu quả rất tốt.

Đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng

Tại phiên họp tổ trước đó, nhiều ý kiến cũng quan tâm đến quy định cấm tuyệt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Báo cáo giải trình vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho hay, quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông. Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đối với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.

Tranh luận lại, ĐBQH Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh, QH quyết định các vấn đề là phải dựa trên bằng chứng khoa học, kết luận khoa học của cơ quan có thẩm quyền chứ không thể kết luận dựa trên cảm tính hoặc theo dư luận. ĐB đề nghị các Bộ Y tế, KH&CN cần có trả lời chính thức cho QH về căn cứ khoa học để đưa ra quyết định này.

Tiếp thu giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi.

Xe máy lắp camera hành trình là lãng phí?

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) quan tâm tới Điều 33 dự thảo Luật: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình. Theo ĐB, quy định này khó bảo đảm khả thi. Tại nhiều quốc gia phát triển, người dân không phải lắp camera hành trình để chứng minh sự trong sạch. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải chứng minh được chủ xe vi phạm giao thông thì mới có quyền xử phạt. Cũng theo ĐB, thu nhập của người dân còn thấp, nhất là vùng sâu, mua được xe máy đã khó khăn, lại phải “cõng” thêm chi phí lắp camera hành trình là lãng phí. “Cần phải xem xét lại nội dung này vì người dân vùng cao chỉ sử dụng phương tiện đi làm vườn, đi nương, rẫy thì liệu chính sách này có hiệu quả không?”, bà Sang nêu, và đề nghị điều chỉnh theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình; và nên tổ chức thí điểm, có lộ trình phù hợp.

MỚI - NÓNG