Thay bóng đèn sợi đốt: Cho không cũng khó...

Thay bóng đèn sợi đốt: Cho không cũng khó...
Bộ trưởng Hoàng Trung Hải nói rằng, không thể loại được đèn sợi đốt ra khỏi đời sống, vì người dân vẫn có nhu cầu sử dụng. Ngay cả việc "cho không" cũng khó. Bộ trưởng lưu ý, điều quan trọng là phải được người dân chấp nhận.
Thay bóng đèn sợi đốt: Cho không cũng khó... ảnh 1

Tại cuộc họp về chương trình tiết kiệm sáng nay (20/9) của Bộ Công nghiệp, đại diện Vụ KHCN (Bộ Công nghiệp) đã trình bày về Hiện trạng thiết bị chiếu sáng ở Việt Nam; Kế hoạch thực hiện Chương trình “Ánh sáng tiết kiệm quốc gia”: Lộ trình thay thế bóng đèn tròn; Các biện pháp hỗ trợ và Kế hoạch thực hiện cũng như dự kiến nguồn kinh phí.

Đèn sợi đốt nhiều, nhưng sử dụng ít

Theo đó, điện sử dụng và sinh hoạt (chiếu sáng) ở Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 45% tổng nhu cầu sử dụng điện quốc gia. Kết quả khảo sát 102 khu nhà chung cư tại Hà Nội và TP.HCM của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, công bố tháng 12/2002, cho thấy, mỗi hộ gia đình thành phố sử dụng 5-6 bóng đèn huỳnh quang loại 40W, 2 bóng đèn dây tóc.

Với 14,5 triệu hộ gia đình của cả nước (số liệu 2003), có thể thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng hộ gia đình là rất đáng kể. Như thống kê của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thì việc thay thế 20 triệu bóng đèn sợi đốt sẽ cắt giảm được 700 MW, với công suất cao điểm là gần 1,1 tỷ kWh/năm.

Do vậy, đại diện Bộ Công nghiệp xác định, giảm điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng và giảm phụ tải vào các giờ cao điểm là một trong các biện pháp hữu hiệu với mục tiêu tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2008.

Hiện nay, chiếu sáng chiếm tỷ trọng lớn nhất 17% trong tổng số nhu cầu sử dụng điện dân dụng. Các yếu tố quyết định tiết kiệm điện trong chiếu sáng gồm: Nguồn sáng - bóng đèn, hệ thống đèn chiếu sáng (chao chụp của hệ thống quang học, các phụ kiện khác để cung cấp và điều khiển điện năng cung cấp), thiết bị điều khiển hệ thống chiếu sáng, trang bị hệ thống chiếu sáng hợp lý tạo ra môi trường sáng tiện nghi.

Để tiết kiệm điện năng cần kết hợp đồng bộ các yếu tố trên. Trong số các bóng đèn (nguồn sáng) thì số lượng đại trà sử dụng cho chiếu sáng là bóng đèn sợi đốt (nung sáng) và bóng đèn huỳnh quang.

Mức gia tăng đèn huỳnh quang (sản xuất trong nước và nhập khẩu) năm 1999-2000 là 7,4%, trong khi đó đối với đèn sợi đốt là 39%.

Ông Nguyễn Toàn Thăng, Giám đốc Công ty Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông, cho rằng, mặc dù mức sử dụng các loại đèn trên luôn tăng, nhất là với bóng đèn sợi đốt, song, đèn sợi đốt không được sử dụng thường xuyên như đèn huỳnh quang.

Theo số liệu ông Thăng đưa ra, đèn huỳnh quang đang chiếm tới 14% tổng lượng điện chiếu sáng, trong khi đèn sợi đốt chỉ chiếm 3%. Rõ ràng số lượng thì nhiều, nhưng đèn sợi đốt lại được sử dụng ít hơn nhiều so với đèn huỳnh quang. Ngoài ra, ông Thăng cho biết có những chỗ trong nhà không cần tốn đến đèn huỳnh quang, như cầu thang, nhà kho...  vì những chỗ này thi thoảng đèn mới cần bật.

Lượng đèn sợi đốt giảm dần

Ông Thăng nói rằng Rạng Đông đang có kế hoạch giảm dần việc sản xuất bóng đèn sợi đốt. Nếu năm 2004, công ty sản xuất được gần 47,3 triệu bóng, thì năm nay đã giảm 14%, chỉ còn 40,2 triệu bóng. Rạng Đông cũng đã xuất khẩu được 1/4 lượng sản xuất, tức vào khoảng 10,5 triệu bóng.

Từ nay đến năm 2008, mỗi năm công ty giảm 20% số lượng bóng đèn sợi đốt, để đến năm 2008, số bóng đèn chỉ còn khoảng 20,5 triệu chiếc/năm. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng trên thị trường, mặc dù đến nay, dây chuyền sản xuất đèn sợi đốt của công ty cũng mới chạy hết 45% công suất.

Rạng Đông đang tính đầu tư thêm dây chuyền sản xuất đèn tiết kiệm để phấn đấu, năm nay tiêu thụ được 2 triệu đèn compact, gấp đôi so với kế hoạch. Sang năm 2007, công ty sẽ sản xuất được 6-7 triệu đèn huỳnh quang các loại.

Công ty Bóng đèn Điện Quang thậm chí còn giảm mạnh hơn đầu ra của bóng đèn sợi đốt. Bà Hồ Thị Kim Thoa, TGĐ Công ty, nói, lượng bóng đèn sợi đốt tung ra thị trường của Điện Quang chỉ còn 25 triệu bóng. Giai đoạn 2001-2006, công ty sẽ giảm tới 40% để đến năm 2007 chỉ còn 3 triệu bóng.

Trong khi đó, năm 2000, công ty đã đầu tư một dây chuyền sản xuất đèn huỳnh quang công suất 6 triệu bóng/năm nhưng cũng chỉ sản xuất có 1 triệu bóng, mà số lượng bán ra chưa đầy 100.000 chiếc.

Mặc dù công ty đã bán trợ giá 50% đèn huỳnh quang tại Tuyên Quang, với mức giá giảm còn 22.000 đồng/bóng, song cũng không dễ dàng gì. "Tôi chỉ lo người dân mua đèn với giá thấp mà không dùng, lại đem ra ngoài bán để lấy lời", bà Thoa lo lắng.

Đại diện Vụ KHCN nhận xét, việc chưa dùng đèn compact trong nhân dân xuất phát từ thói quen và nhận thức trong tiêu dùng sản phẩm: thấy lợi ích trước mắt (chi phí đầu tư, giá cả) mà chưa ý thức được sự lãng phí lâu dài hay lợi ích thu được trong quá trình khai thác tính năng và tuổi thọ của sản phẩm.

Bên cạnh đó, giá đèn huỳnh quang cao "cắt cổ", gấp 3 đến 10 lần so với đèn tròn. Đó là chưa kể, để bóng đèn huỳnh quang hoạt động tốt, ổn định và tuổi thọ cao thì điện áp phải đủ và ổn định theo các thông số kỹ thuật sản phẩm quy định.

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện Quang, ông Hoàng Nhiệm, hiện các nhà máy trong nước vẫn phải nhập khẩu linh kiện để sản xuất bóng đèn huỳnh quang. Việc sản xuất và thử bóng đèn luôn trong điều kiện điện áp ổn định, nên có tuổi thọ cao.

Song, đối với điện áp tại các vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, điện áp không ổn định, thì rõ ràng đèn sợi đốt đang có lợi thế hơn. Đèn điện quang khó có thể "sống" khi điện thế chỉ đạt 160-180V. Đó là chưa kể hiện nay, chất lượng bóng đèn huỳnh quang compact trong mắt người dân là không tốt, vì lâu nay, người dân vẫn phải sử dụng lẫn lộn đèn huỳnh quang Trung Quốc nhập lậu, chất lượng thấp, dễ hỏng hóc.

Cho không cũng khó

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải nói rằng, chúng ta không thể loại được bóng đèn sợi đốt ra khỏi đời sống, vì người dân vẫn có nhu cầu sử dụng. Song, việc phát miễn phí bóng đèn compact cũng phải có cách làm, bởi phát bao nhiêu là đủ, hay phát cho những đối tượng nào là việc làm không dễ dàng.

Theo đề án mà EVN trình Bộ Công nghiệp, số tiền cần cho chương trình này lên tới gần 570 tỷ đồng, nếu việc thay thế không hiệu quả sẽ dẫn tới lãng phí tiền của Nhà nước.

Bộ trưởng đưa ra gợi ý, liệu các công ty sản xuất trong nước có thể bán khuyến mại đèn huỳnh quang compact trong thời hạn được không? Tức là các công ty bán một khuyến mãi một, hoặc giảm giá 50% hàng bán ra trong một thời điểm nhất định?

Chúng ta có thể phát không đèn huỳnh quang cho các công sở, cơ quan, xí nghiệp được chứng nhận là thực hiện tiết kiệm điện năng tốt? Có nên chấp nhận việc miễn thuế VAT, thuế thu nhập cho các DN sản xuất trong nước 2 năm không, hay kiến nghị Nhà nước hỗ trợ đầu vào thì hợp lý hơn, bởi riêng chuyện kiến nghị giảm thuế cũng đã gây ra xáo trộn, phức tạp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, một trong những yếu tố quan trọng để chương trình đưa bóng đèn huỳnh quang compact vào sử dụng là phải được sự chấp nhận của người dân.

Để thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng đèn huỳnh quang cần một quá trình, phải tuyên truyền, quảng bá sâu rộng. "Không nên chỉ hô hào một câu là hãy tiết kiệm điện, mà các ban, ngành cần sáng tạo, nghĩ ra khẩu hiểu dễ hiểu, dễ thuyết phục người dân. Tức là có một thông điệp quảng cáo hiệu quả", ông Hải nói.

Tất cả các giải pháp trên, Bộ trưởng đã yêu cầu Vụ KHCN của Bộ Công nghiệp cần phối hợp với các Bộ, ngành khác soạn thảo lại, nhanh chóng hoàn thiện để trình Chính phủ trước khi đưa chương trình này vào thực hiện.

MỚI - NÓNG