Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một thầy giáo ở miền Tây thu gom bao mì gói đã qua sử dụng để cho ra đời những chiếc giỏ xách đầy ấn tượng, mang thông điệp bảo vệ môi trường, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”. Sau thành công đó, thầy lại cho ra mắt sản phẩm hộp đựng quà cũng từ bao mì gói....

Thầy Lê Quốc Toàn (ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), đang giảng dạy bộ môn Mỹ thuật ở trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, là tác giả của các sản phẩm được làm từ bao mì gói đã qua sử dụng.

Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 1

Thầy Toàn cho biết, hàng ngày thấy bao bì của các loại thực phẩm như mì gói, túi cà phê,… không bán ve chai hay tái sử dụng lại được mà chỉ bỏ đi, khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, vì thế thầy nghĩ đến việc tận dụng các loại vỏ bao bì để tạo ra sản phẩm hữu ích cho cuộc sống và từ đó, ý tưởng làm túi xách từ bao mì gói ra đời.

Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 2 Thầy Toàn và bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam cho bộ sưu tập túi xách tái chế làm từ bao mì gói.

Với ý tưởng dùng bao mì gói ở căn-tin của trường về làm sạch rồi cắt ra và se lại thành cọng để đan thành những chiếc túi xách nhỏ xinh, với đủ loại màu sắc rất ấn tượng.

Năm 2015-2016, thầy đưa sản phẩm túi xách tái chế từ vỏ bao mì gói của mình tham dự cuộc thi về khoa học công nghệ ở địa phương nhưng bị trượt. Nhưng với niềm say mê và sự động viên của các đồng nghiệp, thầy tiếp tục sáng tạo và cho ra những sản phẩm đẹp, bền và thân thiện với môi trường.

Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 3
Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 4
Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 5 Các sản phẩm hộp từ vỏ bao gói mì đã sử dụng.

“Để có một chiếc túi xách bằng vỏ mì gói phải qua nhiều công đoạn như: lên ý tưởng về hình dáng, kích thước, màu sắc, chọn bao bì phù hợp, vệ sinh, cắt, se và đan theo kích thước của bản vẽ. Trong đó, công đoạn se từng mảnh bao bì thành cọng đòi hỏi sự khéo léo để các cọng kết nối với nhau vừa vặn, đảm bảo kích thước khi thành phẩm. Đan xong thì may phần ruột túi để ghép vào các mảnh bao bì, trang trí thêm cườm, hoa văn cho thời trang”, thầy Toàn chia sẻ.

Thời gian để hoàn thành một chiếc túi xách, nếu làm liên tục phải mất 2 ngày cho túi nhỏ với khoảng 250 vỏ gói mì, 3 ngày cho một túi lớn và cần ít nhất 380-400 vỏ. Riêng sản phẩm đầu tiên được thầy hoàn thành....trong 2 tuần với hơn 500 vỏ mì tôm.

Ngày 26/8/2018, bộ sưu tập 44 chiếc túi xách của anh Lê Quốc Toàn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.

Ngoài túi xách, thầy còn sáng tạo thêm đèn ngủ, sọt đựng đồ, ghế ngồi và mới đây là hộp đựng quà cũng được tái chế từ bao mì gói. Đặc biệt bộ ghế làm từ vỏ mì gói và chai nhựa có thể chịu được sức nặng 100 kg.

Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 6
Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 7 Các túi xách làm bằng bao mì gói đã sử dụng.

“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, đến nay, thầy Toàn đã có bộ sưu tập khoảng 100 chiếc túi xách với đủ kích thước, kiểu dáng. Điều đáng nói, các sản phẩm này dù đã ra đời mấy năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn, không bị xuống màu.

Thời gian gần đây, thầy Toàn lại khiến người hâm mộ ngạc nhiên và thán phục khi cho ra đời sản phẩm tái chế làm từ bao mì gói, đó là những chiếc hộp với nhiều kiểu dáng, kích thước, màu sắc.

Thầy giáo miền Tây lập kỷ lục làm túi xách từ vỏ mì gói ảnh 8 Bằng xác nhận kỷ lục Việt Nam.-Ảnh: C.X.L.

Thầy Toàn cho biết: Nguyên liệu để làm hộp cũng là vỏ bao mì gói đã sử dụng, được vệ sinh sạch sẽ, se lại và đan thành những chiếc hộp đựng quà, đựng các vật dụng thiết yếu trong gia đình. Riêng về hoa văn trang trí, màu sắc thì dùng màu để vẽ lên. Để có 1 chiếc hộp phải mất 1 ngày và 100 bao mì gói đã qua sử dụng. Hiện nay thầy đã có một số sản phẩm là những chiếc hộp hoàn thành, giới thiệu với mọi người và rất được yêu thích.

“Với các sản phẩm của mình, tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp hãy chung tay bảo vệ môi trường, đồng thời hy vọng ý tưởng của mình được lan tỏa, sản phẩm được nhiều người biết đến, đưa vào sử dụng trong cuộc sống, xa hơn là sẽ tạo ra một ngành nghề mới để tăng thu nhập cho người lao động”, thầy Toàn chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.