Thầy giáo đập tường rào nhà mình, xin đất làm sân chơi cho học sinh

Thầy Lê Thành Tuyên, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên và Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên chuyện trò chia sẻ với hai chị em người Mông, Hoàng Thị Sinh, Hoàng Thị Hải Yến. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Thầy Lê Thành Tuyên, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên và Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên chuyện trò chia sẻ với hai chị em người Mông, Hoàng Thị Sinh, Hoàng Thị Hải Yến. Ảnh: Báo Tuyên Quang
TPO - Thầy Lê Thành Tuyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên (Tuyên Quang) luôn dành tình cảm như một người cha dành cho các học sinh của mình. Đặc biệt, thầy còn đập tường rào của nhà, xin đất làm sân chơi cho học sinh.

Yêu nghề giáo từ bé

Vừa được tuyên dương trong “Lễ tri ân, tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu” năm 2020 của Bộ GD&ĐT, Thầy Lê Thành Tuyên- Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên, Tuyên Quang chia sẻ, anh yêu nghề giáo từ chính những thầy cô của mình.

Rồi như duyên phận, anh học trường sư phạm và ra trường là một giáo viên dạy môn Sinh học tại trường THPT Hàm Yên. Năm 2009, anh đảm nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Yên. Đến năm 2010, anh là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên khi tròn 30 tuổi.

Với sự năng động nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy Lê Thành Tuyên đã cùng tập thể giáo viên đã cố gắng để trường dân tộc nội trú này trở thành ngôi nhà ấm áp, đầy tình yêu thương cho các học sinh, nhất là những học sinh mồ côi.   

Không chỉ mình anh yêu nghề giáo, mà vợ anh cũng là một nhà giáo đầy tâm huyết. Dù là gia đình chính sách, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nhưng bản thân luôn yêu nghề, yêu người nên thầy luôn cùng với cán bộ nhân viên ủng hộ và làm tốt nhất cho các học sinh của mình.

“Vợ chồng tôi có 2 con trai, con lớn sinh năm 2007 học lớp 8 bị mắc bệnh tự kỷ, con trai út sinh năm 2013 học lớp 2. Khi con còn nhỏ, nhận thấy con trai có triệu chứng mắc bệnh, hai vợ chồng tức tốc cho con trai xuống Hà Nội chữa trị. Cũng may, giờ cháu hòa nhập rất tốt ở trường”- thầy Tuyên chia sẻ.

Thầy Tuyên cũng cho biết, đặc điểm của trường nội trú là học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường, cuối tháng mới về thăm nhà một lần. Với lòng thiện tâm “yêu học trò như con”, thầy luôn tự nhắc nhở mình và giáo viên trong trường để làm sao cho các trò nơi đây đều cảm nhận được sống trong tình yêu thương.

 “Ở trường hiện có 4 em học sinh mồ côi cả bố và mẹ. Để bù đắp những thiệt thòi mất mát cũng như dành cho các em tình yêu, sự săn sóc ân cần nhất, chúng tôi đã phân công các giáo viên làm “bố nuôi”, “mẹ nuôi”- vị hiệu trưởng này nói.

Bên cạnh thành lập Tổ tư vấn tâm lý với 18 thành viên là các thầy, cô giáo trong nhà trường, thầy Tuyên còn thực hiện hiệu quả mô hình Hòm thư “Điều em muốn nói”. Đều đặn hằng tháng tổ chức một buổi gặp gỡ trò chuyện tình cảm. Đây là “kênh” để cô bé, câu bé người Tày, Dao, Mông… sôi nổi đưa ra tâm tư, ý kiến của mình.

Thầy giáo đập tường rào nhà mình, xin đất làm sân chơi cho học sinh ảnh 1

Thầy Lê Thành Tuyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên (Tuyên Quang), hàng thứ 2, ngoài cùng bên các sản phẩm STEM mà các em học sinh của trường tự làm. Ảnh: NVCC

Cách đây 1 năm, thầy hiệu trưởng Lê Thành Tuyên đã làm một việc thật đẹp và “nổi như cồn” khi viết thư động viên cho em L.V.A là học sinh duy nhất trong 8 học sinh của trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên tham gia thi học sinh giỏi tỉnh Tuyên Quang mà không đạt giải.

L.V.A là một tấm gương vươn lên trong học tập dù hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố em đã bỏ hai mẹ con. Mẹ em không có việc làm ổn định, đi làm thuê ở Bắc Ninh nhưng từ khi có dịch COVID-19 thì bị mất việc. Để không phụ công của thầy cô và mẹ mình, V.A đã rất cố gắng nên khi biết mình không đoạt giải.

“Việc làm của tôi chỉ với mong muốn em V.A cũng như những học sinh khác biết rằng, thất bại này cũng buồn nhưng còn rất nhiều điều khác trong cuộc sống, trong tương lai mà các em cần vượt qua. Chính trăn trở đó, thôi thúc tôi gửi lời chia sẻ chân thành đến em”- thầy Tuyên chia sẻ.

Cuộc sống là cho đi

Dù là gia đình chính sách, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nhưng bản thân luôn yêu nghề, nhiệt huyết với công việc để đạt được những thành tích nhất định được học trò yêu quý.

Trên cương vị lãnh đạo, thầy Tuyên luôn gieo những điều nhỏ nhưng đẹp đẽ và ấm áp. Thầy đã luôn đổi mới hình thức động viên khen thưởng cán bộ nhân viên. Ở trường việc Tặng Thư cảm ơn cho giáo viên có học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh và Thư khen cho HSG cấp tỉnh, tặng Thư động viên cho học sinh chưa đạt giải cấp tỉnh, tặng hoa cảm ơn cho giáo viên đã cố gắng nhưng học sinh chưa đạt giải, là chuyện... thường ngày.

Ngoài ra, hàng tháng tổ chức 1 buổi nói chuyện với học sinh. Tặng hoa khen cho học sinh tiến bộ vượt bậc trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, cho học sinh tiến bộ vượt bậc trong học tập trong tổng kết năm học. Bình chọn thầy cô giáo được Kính trọng nhất, được Yêu quý nhất vinh danh vào 20/11 hàng năm.

Không những vậy, trong năm qua, gia đình thầy Tuyên đã đập tường rào và công trình xây kiên cố để hiến đất làm đường ngõ vào Sân bóng Tân An. Việc làm của thầy Tuyên đã “truyền cảm hứng” để bác Nguyễn Văn Lưu, một cán bộ về hưu hiến 170m2 đất để làm sân bóng cho các học sinh.

“Bác Lưu có nói với tôi, vì hiểu công việc của tôi làm cho những đứa trẻ ở đây nên đã tình nguyện hiến cả mảnh đất giá trị cả tỉ để làm sân bóng cho các con. Tôi cũng vì thế mà bỏ thêm 20 triệu để hoàn thiện”- thầy Tuyên chia sẻ.

Không những vậy, thầy Tuyên đã hiến đất và cũng vận động gia đình ông Nguyễn Công Mẫn đập bỏ tường rào hiến đất mở rộng đường và làm lề đường vào Nhà văn hóa TDP Tân An (trị giá 26 triệu đồng). Hàng trăm bộ Sách giáo khoa được gửi đến ủng hộ HS trường THCS Thành Long và THCS Phù Lưu,…

20 năm trong nghề, với 10 năm làm giáo viên bộ môn và 10 năm trên cương vị hiệu trưởng đầu tiên, nhưng thầy Tuyên chia sẻ, chưa một ngày nào cảm thấy… chán nghề.

“Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ hết yêu nghề giáo. Bởi nghề giáo cho tôi được chia sẻ với những khó khăn với con em đồng bào dân tộc. Cuộc sống có ý nghĩa là khi bạn biết cho đi mà”- thầy Tuyên nói.

MỚI - NÓNG