Thay đổi khung thuế, giá ô tô sẽ giảm gần một nửa?

Vài năm tới người thu nhập trung bình cũng có thể sở hữu ô tô. Ảnh: L.H.V.
Vài năm tới người thu nhập trung bình cũng có thể sở hữu ô tô. Ảnh: L.H.V.
TPO - Dòng ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh nhỏ, sẽ có lộ trình giảm thuế khoảng 15-25% so với hiện tại trong 4 năm tới. Thay đổi kể trên cùng với giảm thuế nhập khẩu về 0% (từ năm 2018) có thể giúp một số dòng ô tô con giảm giá bán tới 42% so với hiện tại.

Thu nhập trung bình cũng có ô tô

Chiều 20/10, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho biết: Tới năm 2019, cùng với thuế xe nhập khẩu giảm về 0% theo cam kết ASEAN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng được điều chỉnh giảm. Nhờ đó, giá xe ô tô trên thị trường có thể giảm gần 50% so với hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Thi, thuế TTĐB chỉ giảm với các dòng xe chiến lược (ưu tiên phát triển) - xe dưới 9 chỗ ngồi (xe cá nhân), dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 (2.0) trở xuống. Trong khi đó, dòng xe cá nhân có dung tích xi lanh từ 3.0 trở lên và dòng siêu sang thuế TTĐB sẽ tăng mạnh, có dòng thuế tăng gấp gần 3 lần so với hiện nay.

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế đưa ra lộ trình điều chỉnh thuế TTĐB với ô tô được thực hiện trong 4 năm (2016-2019). Theo đó, thuế TTĐB sẽ giảm mạnh nhất với xe cá nhân có dung tích xi lanh dưới 1.0, chỉ còn 20% giá bán từ năm 2019 (hiện thuế suất hiện hành là 45%). Như vậy, cùng với giảm thuế nhập khẩu, dòng xe con dung tích xi lanh dưới 1.0 sẽ giảm giá khoảng 42% so với hiện nay. Trong khi đó, dòng xe cá nhân có dung tích xi lanh trên 6.0 thuế TTĐB tăng nhiều nhất, lên ngay mức 150% từ ngày 1/7/2016 (thay mức 60% hiện nay).

Ông Thi lý giải, điều chỉnh này để thực hiện Chiến lược phát triển ô tô Việt Nam tới năm 2025 (tầm nhìn 2035), và Quy hoạt phát triển ngành ô tô Việt Nam tới năm 2020 (tầm nhìn 2030). Theo đó, nhà nước sẽ khuyến khích phát triển dòng xe ô tô nhỏ, thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; tạo điều kiện cho doanh nghiệp ô tô trong nước phát triển thị trường, cạnh tranh khi thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018. Trong khi đó, đánh mạnh thuế TTĐB với ô tô cá nhân hạng sang, dung tích xi lanh lớn do xe tiêu hao nhiều nhiên liệu; kích thước chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông Việt Nam, cần hạn chế.

“Thuế nhập khẩu và thuế TTĐB cùng giảm sẽ giúp giá ô tô tại Việt Nam rẻ hơn, thúc đẩy thị trường và giúp người có thu nhập trung bình và trung bình khá trở lên có điều kiện sở hữu ô tô. Đồng thời, khi thị trường lớn sẽ khuyến khích các hãng đầu tư sản xuất xe tại Việt Nam”, ông Thi nói.

Về tác động của giảm thuế TTĐB với ô tô lên thu ngân sách nhà nước, Vụ trưởng Chính sách Thuế cho biết, những năm đầu nguồn thu ngân sách có thể giảm. Tuy nhiên, về lâu dài, khi dung lượng thị trường ô tô lớn hơn, ngân sách nhà nước vẫn tăng (lấy số lượng bù chất lượng). Ngoài ra, theo ông Thi, giảm thuế sẽ kích thích sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó quy mô thu ngân sách sẽ tăng lên.

 Chuyển học phí, viện phí sang giá

Theo dự thảo Luật Phí và Lệ phí, các loại phí và lệ phí sẽ được cố định “cứng” trong danh mục ban hành kèm theo luật do Quốc hội thông qua. Chính phủ chỉ quy định cụ thể theo dòng phí và lệ phí (nếu có). “Thay đổi này nhằm đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của các khoản phí, lệ phí, tránh các đơn vị tự đưa ra các khoản phí, lệ phí riêng theo lĩnh vực mình quản lý”, ông Phạm Đình Thi nói. Nếu thực tế phát sinh thêm các khoản phí, lệ phí mới phải được Quốc hội thông qua trước khi áp dụng.

Đáng chú ý, trong dự Luật Phí và Lệ phí đã loại học phí và viện phí khỏi danh mục. Như vậy, những khoản lâu nay vẫn xem là phí sẽ được chuyển thành giá. Thay đổi này có thể tác động mạnh lên các vấn đề an sinh xã hội quan trọng và đời sống người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (đơn vị soạn thảo) cho rằng, việc chuyển học phí, viện phí sang giá đã được quy định trong Luật khám, chữa bệnh và Luật Giáo dục. “Loại học phí và viện phí khỏi Luật Phí, Lệ phí sang cơ chế giá chỉ là bước đồng bộ hệ thống pháp luật”, ông Thi nói.

Để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, ông Thi cho biết, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách. Qua đó, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện cả nước có 224 khoản phí, 172 khoản lệ phí đang được áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo Danh mục chi tiết phí, lệ phí dự kiến ban hành theo luật mới sẽ chỉ còn lại 209 loại phí, 109 lệ phí (bãi bỏ 86 khoản phí, lệ phí; chuyển 43 khoản phí, lệ phí sang giá). Dự kiến, 2 bộ luật trên sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp đang diễn ra. 

Theo dự thảo sửa đổi thuế TTĐB với ô tô, dòng xe con dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 (1.0) trở xuống sẽ được giảm thuế TTĐB về mức 40% giá bán từ ngày 1/7/2016 (giảm 5% so với hiện hành), năm 2018 và 2019 sẽ giảm lần lượt về mức 30% và 20%. Xe dung tích xi lanh từ 1.0 - 1.5 từ 1/7/2016 áp thuế TTĐB mức 40%, sau đó giảm lần lượt về mức 35 - 25% vào năm 2018 và 2019. Xe dung tích xi lanh từ 1.5 - 2.0 sẽ áp thuế 40% từ năm 2018 và mức 30% năm 2019. Xe dung tích xi lanh từ 2.0 - 2.5 giữ nguyên mức thuế 50% hiện nay. Với dòng xe dung tích xi lanh từ 2.5 trở lên sẽ bắt đầu tăng thuế TTĐB khi luật mới có hiệu lực, với mức tăng từ 5% tới 90% so với mức đang áp dụng (tương đương mức thuế TTĐB từ 50% - 150% giá bán).

Sửa luật để ngăn những SABECO thứ 2

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế: Giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính trên cơ sở giá của nhà nhập khẩu, sản xuất bán ra. Nhưng giá này nhưng không thấp hơn giá bình quân cơ sở thương mại bán ra theo tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định. Trước đó, dư luận xôn xao khi ngành thuế yêu cầu truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SABECO) do công ty này kê khai thuế theo giá bán cho công ty con 100% vốn của mình thấp hơn giá bán ra thị trường.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho biết: Tài sản chỉ được gọi bán khi đã chuyển giao quyền sở hữu cho người khác, nếu đã bán nhưng vẫn còn quyền quyết định với sản phẩm đó thì chưa thể khẳng định là bán. SABECO bán bia cho công ty con, nhưng công ty này 100% vốn của công ty mẹ, và công ty mẹ vẫn có quyền quyết định, nên chưa thể xem là bán.

MỚI - NÓNG