Thay đổi đối tượng lựa chọn SGK: Lo xáo trộn, lãng phí

Giáo viên, chuyên gia cho rằng việc lựa chọn SGK nên giao cho giáo viên. Ảnh: Ngọc Châu
Giáo viên, chuyên gia cho rằng việc lựa chọn SGK nên giao cho giáo viên. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Nhà trường, giáo viên được quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông mới. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, việc lựa chọn SGK thuộc UBND tỉnh khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực. Theo các nhà quản lý giáo dục, điều này sẽ gây xáo trộn cho giáo viên, học sinh và lãng phí sách.

Giáo viên sốt ruột chờ bản mẫu SGK

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) có 15 năm dạy lớp 1 cho rằng, giáo viên mới là người hiểu SGK thế nào, phù hợp với học sinh hay không, học sinh thích cách trình bày nào. Nếu được lựa chọn, cô sẽ nghiên cứu 5 bộ sách và đưa ra nhận xét từng bộ để ban giám hiệu lựa chọn. Mọi băn khoăn, khúc mắc giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi với tác giả trong quá trình tập huấn.

Tuy nhiên, cô Huyền cũng bày tỏ sự lo lắng khi đến thời điểm này, giáo viên dạy lớp 1 chưa được tiếp cận bản mẫu. Trong năm tới việc chọn SGK lại giao cho UBND tỉnh/TP, có thể sẽ nảy sinh nhiều bất cập cho giáo viên vì sẽ phải tập huấn lại từ đầu.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn sớm để các trường chủ động trong lựa chọn SGK và việc năm nay trường chọn, năm sau tỉnh chọn SGK sẽ gây ra bất cập, lãng phí. “Học sinh năm sau không học được sách của học sinh năm trước.

Bộ GD&ĐT cho rằng, kể cả UBND tỉnh chọn và hướng dẫn sẽ có sự kế thừa, tôn trọng ý kiến các trường. Nhưng tôn trọng làm sao khi địa phương rộng, mỗi trường chọn một kiểu để dạy?”, vị này đặt câu hỏi. Vì thế, bà mong nên có sự thống nhất ngay từ chủ trương, không nên đẩy thế khó cho nhà trường, giáo viên và học sinh.

Có thể xảy ra tiêu cực

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ quan điểm, trong cùng một địa phương không nhất thiết chỉ chọn 1 bộ sách, căn cứ tình hình thực tế, có thể chọn 2-3 bộ phù hợp. Đồng thời, việc lựa chọn SGK nên có sự thống nhất ngay từ đầu, nếu giao cho các trường thì tính tự chủ của các trường sẽ lớn hơn còn giao UBND tỉnh/TP thì phải lấy ý kiến rộng rãi từ cơ sở.

“Trong Luật Giáo dục sửa đổi quy định “UBND các tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK chứ không phải quyết định lựa chọn”. Do đó, sau một năm thực hiện, UBND có thể làm văn bản giao quyền, hướng dẫn các trường tự lựa chọn bộ sách phù hợp. Thực hiện như thế sẽ phù hợp hơn, không nên để xảy ra chuyện năm nay quyết một đằng năm sau chọn nẻo khác”, GS Nguyễn Minh Thuyết

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, nếu năm nay việc lựa chọn SGK thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sang năm lại thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi không cẩn thận sẽ gây xáo trộn trong các trường học. Theo ông Khuyến, một chương trình chỉ có 5 bộ sách vẫn là hơi ít để lựa chọn. Sắp tới, Bộ GD&ĐT nên tập trung hướng dẫn tiêu chí lựa chọn các bộ sách như thế nào.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông mới cho rằng, để nảy sinh những băn khoăn như hiện nay về lựa chọn SGK có phần trách nhiệm của Quốc hội. “Nghị quyết 88 ra đời năm 2014, lúc đó có thể Quốc hội khoá 13 đã bàn và dự kiến giao cho nhà trường, giáo viên lựa chọn. Khi đó, các đại biểu bàn, thống nhất việc giao cho các nhà trường sẽ khách quan hơn, hạn chế được tiêu cực.

Tuy nhiên, đến Quốc hội khoá này bàn thảo lại vấn đề chọn SGK và đi đến ý kiến khác là giao cho UBND tỉnh trái với Quốc hội khoá trước. Đây là điều đáng tiếc”, ông Thuyết nhìn nhận.

GS Thuyết cho rằng, khi có nhiều bộ SGK, có thể nảy sinh chuyện “đi đêm”, “cạnh tranh không lành mạnh” giữa các NXB. Vì vậy, cơ quan quan lý nhà nước cần cầm trịch việc này để đảm bảo yếu tố khách quan. Điều quan trọng nữa là giáo viên phải nghiên cứu kỹ SGK, không chọn cảm tính hay chịu một yếu tố tác động nào.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.