Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Bộ Y tế rất quan ngại việc lây nhiễm COVID-19 trong các khu công nghiệp. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp để đảm bảo được phòng lây nhiễm trong các khu công nghiệp”.
Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận, như sử dụng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, sử dụng gộp mẫu ở mức độ nhiều mẫu, sử dụng kháng thể… Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo việc rà soát lại tất cả những người đã nhập cảnh trong thời gian qua, những người hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, tiến hành xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể ở những người này để đánh giá và tìm kiếm nguồn lây.
“Trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm, chỉ tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến 12/5 đã thực hiện 306.138 mẫu xét nghiệm, trong đó ghi nhận 643 ca dương tính”, ông Long nói.
Đối với các địa phương, Bộ Y tế liên tục yêu cầu nâng công suất xét nghiệm. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có quy mô dân số hơn 17 triệu người, nhưng cách đây không lâu chưa có phòng xét nghiệm nào. Đến nay, khu vực này đã có 25 phòng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, với công suất 29.000 mẫu/ngày. Cuối tuần này Bộ Y sẽ tổ chức tập huấn tiếp tục về công tác xét nghiệm.
Tối 13/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày ghi nhận 73 ca mắc COVID-19, trong đó, Đà Nẵng có 32 ca, Bắc Giang - 10 ca, Bắc Ninh - 7 ca, Hà Nội - 7 ca, Vĩnh Phúc - 5 ca, Hưng Yên - 4 ca, Thái Bình - 4 ca, TT- Huế, Hà Nam, Hòa Bình, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mỗi nơi 1 ca.
Không để “thủng” khu công nghiệp
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với 3 tỉnh có bệnh nhân COVID-19 trong khu công nghiệp (KCN) ngày 12/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Ban Chỉ đạo đã nhiều lần thống nhất, xung yếu nhất trong phòng, chống dịch bệnh là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt trong KCN”.
Cả nước hiện có 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động.
Đặc điểm của các nhà máy trong KCN là đông người, phần lớn hoạt động sản xuất trong môi trường kín. Nhiều xóm trọ, khu trọ công nhân rất chật chội, đông đúc. Chợ búa, cơ sở dịch vụ ở những khu này có mật độ dày đặc. Xe đưa đón công nhân rất nhiều. Đây là khu vực mà Ban Chỉ đạo đã nhắc nhở rất nhiều lần về việc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng đề nghị không chỉ TP Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang mà tất cả các địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quán triệt các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các KCN thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc tự đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, cập nhật định kỳ lên hệ thống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).
Công suất xét nghiệm tăng 2 - 3 lần
Sáng 13/5, tại cuộc họp trực tuyến với các Viện Pasteur, đơn vị xét nghiệm thuộc Bộ Y tế trên cả nước bàn về khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, hiện Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm gồm khẳng định COVID-19.
Công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay gấp 2-3 lần trước đây. Các phòng xét nghiệm có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày. Công suất tăng mạnh gấp 5-10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...). Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn cho các loại hình xét nghiệm, cho các tình huống, trong đó có tình huống toàn quốc có 30.000 ca nhiễm SARS-CoV-2.