Đến lúc những đứa trẻ của chúng ta không cần nhà trường, không cần đến thầy cô giáo rồi chăng?! Như một phản ứng quyết liệt với nền giáo dục đang còn quá nhiều bất cập. Trường học hẳn không đem lại đủ “hạnh phúc” cho những đứa trẻ?
Mấy hôm trước, tôi quặn thắt lồng ngực khi xem đoạn clip cảnh người cha băng suối lũ cõng con gái đến trường ở Tiên Phước, Quảng Nam. Con gái chắc đang học cấp 2, ba lô trên lưng nặng trĩu sách vở. Còn người cha gầy gò dò dẫm từng bước vượt qua con suối rộng nước lũ sau bão đục ngầu chảy xiết dâng ngập tới lưng quần. Tiếng cô bé trên lưng cha kêu lên “kinh quá ba ơi!”, nhưng người cha quần đùi áo cộc vẫn kiên quyết dấn tới không bỏ cuộc.
Khát khao ấy, khát khao được học, được đưa con đến trường vẫn luôn phổ quát trên khắp đất nước này, cho dù nền giáo dục vẫn còn nhiều chuyện phiền lòng. Nhớ chuyện cô bé ở làng quê nghèo Phú Yên vì xe đạp bất ngờ hỏng giữa đường, đã tất tả chạy bộ 15 cây số đến trường để kịp giờ thi tốt nghiệp. Nhớ cậu thanh niên quê nghèo Nghệ An đạp xe ròng rã 300 cây số ra Hà Nội để thi vào đại học, trong túi vỏn vẹn chỉ có 30 ngàn đồng dự định dùng trong mấy ngày… Như biết bao học trò nghèo khao khát được đến trường, dù phải chui trong túi nilon qua suối, dù chênh vênh cầu treo, dù phải vượt đèo cao dốc dựng, dù đói cơm thiếu vở, bão lũ vây tràn…
Đó cũng chính là khao khát của mọi người thầy, người cô - được đến trường để trao truyền kiến thức và trao gửi tình thương yêu.
Xã hội, nhà trường, mà quan trọng hơn là cả hệ thống chính trị phải có nghĩa vụ đem lại hạnh phúc cho những đứa trẻ ấy, phải đền đáp niềm tin của từng người cha người mẹ đang tần tảo chắt chiu để gửi gắm con em mình cho nhà trường.
Ngành giáo dục đang hướng tới mục tiêu “Trường học hạnh phúc”. Cụ thể đó là kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Với 3 trụ cột, là Yêu thương, An toàn và Tôn trọng.
Trường học hạnh phúc, nhưng đừng quên chính các thầy cô giáo cũng cần được yêu thương, an toàn và tôn trọng, được hạnh phúc ngay ở trường. Chứ không phải cảnh giáo viên mất việc tập thể hàng vài trăm người một lúc như đang diễn ra nhiều nơi. Cảnh “bắt bớ”, kỷ luật vì phải dạy thêm để trang trải đời sống khi lương bổng bọt bèo. Không có những chuyện rối rắm như chỉ trong một ngày Chủ tịch thành phố Hà Nội “hỏa tốc” ra hai quyết định trái ngược nhau về việc tuyển dụng đặc cách và thi tuyển, xét tuyển giáo viên trên địa bàn thành phố. Khiến hàng ngàn giáo viên hợp đồng lâu năm thuộc diện được tuyển dụng đặc cách chưa kịp mừng vì quyết định trước, lại tiếp tục “lên ruột” vì nguy cơ mất việc bởi quyết định sau…
“Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Yêu thương ấy phải bắt nguồn từ cơ chế này. Chứ không phải là những món quà “đến hẹn lại lên” nhân Ngày nhà giáo từ cha mẹ học sinh.