Thất thoát tiền tỷ do vi phạm bản quyền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều chuyên gia khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo thông qua môi trường số. Tuy nhiên nan đề ở đây chính là không ít khó khăn, rào cản trong việc bảo vệ bản quyền, giảm thiểu thất thoát cho doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Nhiều rào cản

Đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông... cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế, đông đảo nghệ sĩ, người hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam ngồi lại tại Hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội. Hội thảo này nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ VHTTDL và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham).

Thất thoát tiền tỷ do vi phạm bản quyền ảnh 1

Hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, cho biết, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho mọi người. “Thông qua hội thảo này, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia nghiên cứu, người thực hành văn hóa nghệ thuật... trao đổi về bối cảnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số trong nước và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo và xu thế số hóa hiện nay”, TS Hòa nêu.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo tại Việt Nam. Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law, cho biết, một trận bóng đá cúp C1 hay Ngoại hạng Anh có đến 500 hành vi xâm phạm, tổng lượt người xem thông qua việc xâm phạm là khoảng 9 triệu lượt xem. “Nếu số lượt xem đó tính mỗi lượt là 1USD trên hệ thống một số kênh truyền hình, nền tảng số, chúng ta thất thu 200 tỷ đồng một trận đấu”, ông Tuấn nêu. Ông cũng nêu một ví dụ khác về vấn đề xâm phạm bản quyền là trang web xem phim - phimmoi.net. Theo ông Tuấn, phimmoi.net có khoảng 80 triệu lượt xem/tháng. Nếu tính mỗi người xem phải đóng phí 2USD thì con số thu được là hàng nghìn tỷ đồng. “Con số đó không gây thiệt hại cho người xem nhưng ảnh hưởng đến những người sáng tạo. Bởi 1.000 tỷ đồng hay 1 tỷ đồng đó nhà sản xuất, diễn viên không thu được và không tái đầu tư cho sáng tạo”, luật sư Tuấn nói.

Thất thoát tiền tỷ do vi phạm bản quyền ảnh 2

Vi phạm về bản quyền trong lĩnh vực phim ảnh, truyền hình gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng

Ông Tuấn cũng nêu một loại xâm phạm bản quyền mới đang lan tràn trên các mạng xã hội là việc làm và đăng tải các video clip tóm tắt phim (review phim).

Bảo vệ người sáng tạo

Tiếp tục câu chuyện về vi phạm bản quyền, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cấp cao của Cty BHD - Viet Nam Media, nhận định, tất cả sản phẩm của nền công nghiệp văn hoá cần được coi là tài sản trí tuệ. Nhưng khi nhìn lại luật pháp Việt Nam, bà Hạnh băn khoăn về vị trí của tài sản trí tuệ.

“Chúng tôi sản xuất bộ phim Cô Ba Sài Gòn nhưng bị khán giả vào ghi hình và đăng tải sản phẩm đó lên mạng chỉ sau ngày đầu tiên công chiếu. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của bộ phim. Luật pháp Việt Nam quy định rõ ràng hình phạt khi ăn cắp một tài sản bất kỳ nhưng khi tài sản trí tuệ bị đánh cắp, gây tổn thất lớn cho nhà sáng tạo, nhà sản xuất thì chỉ bị phạt vài triệu đồng”, bà Hạnh nói.

Đẩy mạnh hợp tác công - tư

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, khẳng định, công tác chuyển đổi số nâng cao doanh thu của bảo tàng. “Chúng tôi đang triển khai dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, giúp khách có thể tham quan bảo tàng ở bất kỳ đâu. Trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng, chúng tôi đã thu được gần 600 triệu đồng từ khách tham quan trực tuyến”, TS Minh nêu. Với một bảo tàng, doanh thu 600 triệu đồng là con số khiêm tốn nhưng thể hiện sự thành công trong việc hợp tác công - tư.

Thủ tục hành chính trong cấp phép cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hoá cũng khiến nhà sản xuất đau đầu. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, thủ tục hành chính được tự động hóa bởi quy trình quản lý của Nhà nước đang làm chậm quy trình chuẩn bị của các nhà sản xuất, khiến họ không đủ thời gian để sáng tạo, sản xuất khiến chất lượng sản phẩm giảm.

Đứng trước những khó khăn, rào cản trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong kỷ nguyên số, nhạc sĩ Quốc Trung đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà sáng tạo, doanh nghiệp bắt tay, xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp chuyên nghiệp, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. “Các doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ với các nhà quản lý bằng chính những sản phẩm có chất lượng. Xây dựng mối quan hệ cũng giúp việc quản lý rõ ràng hơn, tránh lãng phí, mở rộng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ”, nhạc sĩ Quốc Trung nêu.

Chung quan điểm với nhạc sĩ Quốc Trung, bà Lê Quỳnh Như, nhà sáng lập DeeDee Animation Studio, cho rằng, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước có thể đi theo trình tự 4 bước: lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ và đồng hành. Nhà nước đã lắng nghe, thấu hiểu các doanh nghiệp - điều này được thể hiện rất rõ thông qua các hội thảo, tọa đàm. Bà Như bày tỏ mong muốn, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt trong các vấn đề về chính sách, pháp luật. Đại diện DeeDee Animation Studio đề xuất sự hỗ trợ về chính sách thuế cho hoạt động sản xuất phim hoạt hình.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Nguyễn Phương Hòa khẳng định, thông qua những ý kiến đóng góp tại hội thảo, cần đưa ra những giải pháp đồng bộ để phát triển công nghiệp văn hóa như đầu tư cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hợp tác công tư..., đặc biệt là việc liên kết hợp tác giữa các cơ quan liên quan.

MỚI - NÓNG
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
TPO - Đề cập tới nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay: “Lâu nay họp lên họp xuống, nhưng công trình vẫn chờ cát. Sau lần họp lần này cần lên được kế hoạch cụ thể, vật liệu không chỉ đáp ứng các công trình quốc gia, còn những công trình liên vùng”.