Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư hạ tầng giao thông, môi trường

Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư hạ tầng giao thông, môi trường
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều sở ngành của Hà Nội khẳng định, Nghị định 63/2017NĐ-CP ngày 19/5 quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế xã hội, chú trọng hỗ trợ cho lĩnh vực môi trường, hạ tầng giao thông.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội phân tích, cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù vừa được Thủ tướng ban hành có ý nghĩa “đòn bẩy”, góp phần huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng, nhất là ở lĩnh vực giao thông.

Cụ thể, mức dư nợ vay của thành phố được điều chỉnh từ mức không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, lên mức dưới 70% (vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại…), là điều kiện thuận lợi để Hà Nội huy động thêm nguồn lực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Nghị định 63 còn cho phép Hà Nội được hưởng ưu tiên từ những nguồn vốn ưu đãi khác, bên cạnh nguồn vốn bố trí ưu đãi từ các khoản vay ODA. Bên cạnh đó, dự toán chi ngân sách của Hà Nội cũng được xác định trên cơ sở định mức phân bổ cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương. Cụ thể, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và thành phố được Quốc hội quyết định và giữ ổn định liên tục trong thời gian 5 năm.

Theo đánh giá, Nghị định 63 sẽ giúp hạ tầng Thủ đô có điều kiện phát triển đồng bộ hơn nhờ chính sách tăng cường hỗ trợ từ ngân sách trung ương với các công trình, dự án lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi…, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, đê kè chống sạt lở bờ sông Hồng, sông Đống. Ở lĩnh vực môi trường, Hà Nội được trung ương ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay dự án ODA đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục như dự án: Đường sắt đô thị, xử lý nước thải, thoát nước.

Đại diện Sở Tài chính nhận định, những ưu đãi nêu trên là điều kiện rất thuận lợi giúp Hà Nội có thêm nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Ngoài ưu đãi vốn từ trung ương, những nguồn vốn huy động ngoài ngân sách trong những năm gần đây cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển hạ tầng. Theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, Nghị định 63 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng giúp Hà Nội xây dựng chính sách thu hút thêm nhiều nguồn lực cùng tham gia xây dựng Thủ đô, khi Nghị định cho phép Hà Nội được chủ động hơn trong việc quyết định huy động đầu tư  theo hình thức đối tác công tư PPP, bao gồm BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh)…

MỚI - NÓNG