Thành phố buổi chiều

TP - Truyện ngắn của Trần Nguyễn Anh như bức tranh gồm những vệt ký ức. Những vệt đậm, những vệt nhoè. Những vệt đậm cũng có những khoảng đang mờ nhoè đi. Như những con người, nhân vật của nhà văn cũng đang không còn là mình của một thời. Chỉ còn bức ảnh, câu thơ. Chỉ còn niềm đam mê thơ ca với người cha và một hứng thú làm thơ dang dở của cô con gái.

Trần Nguyễn Anh viết truyện ngắn theo cách một nhà thơ. Bởi thế, truyện ngắn của anh thường để lại dư vị đặc biệt. Tôi thì sau khi đọc nghe thấy một thanh âm như tiếng thở dài kèm theo một nụ cười bàng bạc.

L.A.H

Thành phố buổi chiều ảnh 1

Người nhạc sĩ già ngồi trong quán cà phê cạnh ga tàu mỗi chiều nhớ về người tình cũ ở cuối con đường tàu kia mà trái tim lại thổn thức vang lên từng nốt nhạc buồn. Ôi cái thành phố vẫn còn thưa thớt và dân số chỉ bằng một phần bây giờ, nhưng cảm giác lúc nào cũng nhộn nhịp, tất bật và tràn ngập công việc không tên. Những trận đấu bóng đá đông nghẹt mà mỗi bận trời mưa cả trọng tài biên và khán giả đều dụi mắt dõi tìm trái bóng lăn trong vũng nước lấp loáng.

Anh mải đi kiếm tìm những khoảnh khắc đẹp để đưa nó vào ống kính máy ảnh. Cảnh đẹp ấy là cánh đồng đào đang xòe nụ, là chiều soi bóng xuống hồ đôi trai gái ngồi bên nhau trên ghế đá huyên thuyên đủ mọi chuyện, trừ chuyện yêu đương. Cảnh đẹp ấy là triền đê những đàn trâu béo mướt kéo nhau về trong tiếng sáo, dưới kia là ngôi làng gốm đỏ lửa khi mưa chiều vừa tạnh.

Thành phố buổi chiều ảnh 2

Minh họa: vũ xuân tiến

Chiều chiều, khi mọi xốn xang được dẹp hết cả sang một bên để chuẩn bị cho bữa tối, anh lại ôm cái ba lô đựng đầy máy ảnh và những cuộn phim mới in tráng về quán cà phê cạnh đường tàu. Người bạn vong niên, ông bạn nhạc sĩ già đã ngồi ở đó, như một sân ga cũ kỹ phai bạc thời gian.

Cái máy nhắn tin bên hông anh rung lên. Có tin nhắn: “Em Thuy Van day. Em dua bo ra chua benh anh ranh ghe tham bo con em nhe. Dia chi la nha khach so… pho… phuong…. Em muon di an pho”.

Ồ! Tin nhắn của đứa em trong quê, có bố là nhà thơ, cựu chiến binh.

Bác mê thơ quên ăn quên ngủ, trong túi không bao giờ có tiền, chỉ đầy ắp những mảnh giấy nhầu nhĩ và những dòng thơ. Ấy vậy mà ít người biết một thủa bác là lính đặc công, được truy điệu sống trước trận đánh vào đồn địch với lời thề quyết tâm công đồn, đánh địch chỉ chừa một viên đạn để tự bắn mình nếu bị bao vây, quyết không rơi vào tay địch. Trận ấy quân ta lực lượng chỉ bằng phần nhỏ quân địch mà đối phương lũ lượt giăng cờ trắng ra hàng.

Anh lặn lội trong cơn mưa chiều, tìm tới nhà khách để gặp đồng hương.

Vợ bác nhà thơ bảo: “Chồng tôi còn mảnh đạn trong người, cứ hễ suy nghĩ nhiều là mảnh đạn lại di chuyển lên não bộ. Khi ông ấy làm thơ, mảnh đạn lại di chuyển hướng về phía tim”.

Nhà thơ nằm trên võng dù, vừa qua cơn sốt rét, gượng cười: “Nói như bu nó thì tôi tốt nhất chẳng nghĩ ngợi gì cho mảnh đạn hoen gỉ ra à?”.

Vợ bác nhà thơ làm nghề thủ công, nói chính xác là làm bò khô bán ở chợ, chiều lại đem về cho chồng một ít tiếp bạn bè. Quý chồng thế mà bác nỡ nói với con gái: “Con sau này đừng lấy nhà thơ nhé, mình mẹ chịu khổ là đủ rồi”.

Cô con gái bảo: “Sao bao nhiêu người theo mẹ, nào kỹ sư, nào trưởng phòng, đủ ngành nghề… mẹ lại dứt khoát đi theo nhà thơ để rồi bây giờ hối hận”.

Bác gái nói chả ra đùa hay thật: “Tôi hối hận! Thề kiếp sau không làm vợ nhà thơ”.

Cuối năm vừa rồi, bác trai đem về tập thơ in chung, nói: “Công trình cả mấy năm trời của chúng tôi, cũng một phần nhờ món bò khô ngon của bu nó”.

Người vợ cả cười: “Người ta lao động trí óc chân tay, mấy năm mua nhà, mua xe, mua đất… còn mình mấy năm mua được ít chữ. Quý là phải”.

Con gái của bác đã độ xuân thì mà nó gầy gò khẳng khiu, mái tóc cắt ngắn, dáng đi nhanh nhẹn, tính khí rụt rè, ít nói.

Lần này gặp, em bảo: “Bố in tập thơ xong, nhiều người khen, nhưng cũng nhiều người phê bình sao đó. Em không rõ lắm. Nhưng em nghĩ bố ngã bệnh do người ta chê thơ của bố không còn hay như trước. Theo anh, bố em có đa cảm quá hay không? Bố lên cơn sốt li bì mà miệng còn bảo: Các anh chê tôi thì tôi chấp nhận, chứ đừng chê thơ của tôi”.

Chiều xuống muộn, anh và Thúy Vân ghé quán cà phê đường tàu.

Bác nhạc sĩ già vẫn ngồi đó, như một cây đàn thực sự bị bỏ quên. Bác nói: “Hai người đẹp đôi lắm. Cách đây nửa thế kỷ, tôi cũng từng hẹn một người con gái ở quán này, để chia tay, ra ga tiễn nàng vào Nam”.

Thúy Vân bảo: “Mẹ em là con người đầy mâu thuẫn. Đi đâu mẹ em cũng khoe chồng tôi là nhà thơ, trong túi lúc nào cũng đem theo tập thơ của bố em. Thế mà lâu lâu lại nhắc con gái rượu: Sau này con nhớ đừng lấy nhà thơ nghe chưa!”.

Năm tháng chiến tranh đã lấy đi tuổi thanh xuân của họ, rồi bệnh tật, mảnh đạn lấy đi sức khỏe của chồng. Người vợ tảo tần một tay chăm chồng, một tay nuôi con lớn khôn. Ngày ngày, bà còn lo cơm nước, làm bò khô và đi mua cả những chai rượu nút lá chuối cho bạn thơ của chồng. Để rồi cuối ngày, bà vui với chén cơm chan nước mắm sau hè. Những tiếng vỗ tay khen thơ “hay”, “hay quá”, “thế mới gọi là hay chứ” trong ngôi nhà nhỏ vọng ra cũng đủ giúp bà bật cười như thời trẻ dại.

“Em làm mấy bài thơ, được bố em đọc rồi. Mọi người nói em có khiếu như bố em, nên theo nghiệp của bố. Em còn phân vân. Liệu sau này em làm thơ, rồi em có kiếm được người chồng hiểu mình và hy sinh cho mình? như mẹ đã cả đời vô danh núp sau bóng bố để bố thành danh hay không?”.

Vân ngồi cạnh anh, trong quán nhỏ đã lên đèn. Ngoài kia, tiếng còi tàu nối đuôi nhau. Bóng dáng nàng đã lẫn vào bóng dáng anh, bên ly cà phê cuối ngày chắc chắn sẽ làm người ta khó ngủ.

“Vân muốn tặng anh vài bài thơ đọc cho vui, nhưng sợ anh chê và Vân không bao giờ tự tin được như bố, gặp ai cũng bắt họ nán lại nghe thơ mình. Anh biết không! Vân vẫn thường tưởng tượng ra một tình yêu, tin rằng nó có thật. Suy cho cùng, nếu ta không có niềm tin làm sao viết được thơ?”.

Này Thúy Vân, em phải tự tin như bố mình. Em hãy sống, hãy viết, hãy đọc thơ, hãy khen thơ và đắm say cùng nó, nếu em thích. Bố em thường nói rằng làm một bài thơ khó hơn làm một tòa nhà, câu thơ hay giá trị như một lâu đài tráng lệ. Em hãy đọc cho anh nghe một bài thơ em vừa mới viết.

“Không em xấu hổ! Em chưa đọc thơ cho ai nghe bao giờ”.

* * *

Hơn hai mươi năm đã trôi qua trong thoáng chốc của đời người và trong sự đổi thay của những buổi chiều nơi quán nhỏ.

Người nhạc sĩ già ra đi mãi mãi cùng câu chuyện đợi một người trở về từ trong bản nhạc xưa cũ của ông. Đến lượt anh, vẫn chiếc ghế cũ kỹ bên ô cửa sổ dưới hàng cây hoa sữa, đợi một ai đó, không rõ hình hài, như trở về từ khung hình đã hoen ố theo tháng năm.

Hôm nay, nàng đã trở về thật. Một người về từ bên kia đường chân trời. Cô ấy đem theo bí mật về những bài thơ mà anh chưa bao giờ được nghe, chưa bao giờ được đọc.

Thúy Vân về giỗ cha mẹ của mình. Cô không đem theo chồng và cũng không đem theo thơ. Nàng cũng không báo cho một ai biết, kể cả Tự.

Anh thấy người phụ nữ bước vào quán và nhìn vào cái góc tối kia, nơi hơn hai mươi năm trước anh và nàng bên nhau bằng cặp mắt ngơ ngác. Từ một góc khác, Tự đi tới, ngồi xuống cạnh nàng.

“Phải Thúy Vân không?”. Anh cất tiếng với cái nhìn ngờ ngợ. Rằng mái tóc giờ đã xoăn tít và dáng vẻ khá phốp pháp đẫy đà. Trên tay nàng không đeo nhẫn cưới.

“Anh nhầm rồi! Tôi không phải Thúy Vân đâu anh Tự ạ”.

Nàng nói. “Thúy Vân mà anh hỏi, người đó chỉ còn trong nỗi nhớ của anh”.

Anh đi dọc phố nhặt nhạnh vài nhành hoa sữa. Cái nhà khách năm xưa nay đã thành cao ốc chọc trời. Cây hoa sữa già nua trụi trơ trong cơn mưa lất phất chiều nay.

Vân vẫn làm thơ chứ?

Nàng lắc đầu: “Không. Em không làm thơ từ ngày đó tới giờ. Với em, từng ấy bài thơ của tuổi thanh xuân đã là quá đủ”.

Ồ! Thúy Vân thật sung sướng. Còn với anh, dường như thơ chưa bao giờ tới.

Anh đã đợi trong quán này, bên đường ray tàu lửa, những buổi chiều cô quạnh và những ngày tháng đôi lúc thật mịt mờ sương khói mặt hồ, bên chiếc ba lô đựng đầy máy ảnh. Anh không biết mình đợi ai, đợi cái gì. Đôi lúc, anh nghĩ mình đang đợi một vần thơ từ thủa năm nao.

Lần này, anh và Thúy Vân ngồi đối diện với nhau, qua chiếc bàn nhỏ. Có thể, từ đó, họ nhìn nhau được rõ hơn. Thậm chí, anh không dám nhìn Vân nhiều, bởi càng nhìn, anh càng thấy được vẻ đẹp của nàng, theo thời gian không bao giờ phai tàn. Một vẻ đẹp mà chắc chắn chỉ mình anh nhìn thấy được. Một vẻ đẹp vô tận theo tháng năm và sự đợi chờ.

“Sao nói chuyện với Vân mà anh cứ nhìn lên hàng cây?”.

Anh nói rằng: “Chỉ nhà thơ mới biết vẻ đẹp của thơ và chỉ nhà nhiếp ảnh mới biết vẻ đẹp của các cành cây”.

Mai anh sẽ tiễn em ra ga để em về quê thắp hương cho bố mẹ nhé!

Nàng từ chối: “Không! Em đi với chị gái của em và gia đình chị ấy”.

Như hơn hai mươi năm về trước, Tự và Thúy Vân lại sánh bước cùng nhau dưới hàng cây hoa sữa.

“Anh vẫn chụp ảnh đấy chứ?”.

Tự đùa: “Anh không chụp ảnh từ ngày đó đến giờ. Với anh, những bức ảnh thời thanh xuân đã là quá đủ”.

Tự bảo: “Mai em về, cho anh gửi lời thăm bố mẹ nhé! À mà bố mẹ mất đã lâu rồi nhỉ!”.

Bất chợt, Tự và Thúy Vân nhìn nhau. Trong những đôi mắt lấp lánh nụ cười, thấy những ánh lửa cuối ngày vẫn ánh lên vàng đượm xua đi cơn gió lạnh vào đêm.

7/2023