Thanh niên Việt - Trung tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tham gia phòng, chống dịch COVID-19, những người trẻ ở Việt Nam và Trung Quốc đã phát huy được tinh thần xung kích, sáng tạo, trách nhiệm; đồng thời có sự rèn luyện trưởng thành, góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về người trẻ, nhất là thế hệ 9x.

Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc năm 2021, ngày 30/10, các đại biểu tập trung trao đổi nhiều chuyên đề.

Thanh niên Việt - Trung tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 ảnh 1

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham gia trao đổi, chia sẻ nhiều chủ đề

"Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19" là chuyên đề có những ý tưởng, mô hình tiêu biểu trong phòng chống dịch, thanh niên tình nguyện tham gia tuyến đầu chống COVID-19.

Chủ động, sáng tạo các hoạt động

Chị Đỗ Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguồn lực tình nguyện (thuộc T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, thanh niên và tổ chức Đoàn, Hội đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình với tinh thần "Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng".

Thanh niên đã tham gia các đội hình tình nguyện trong tâm dịch, trong đó đội hình y bác sĩ trẻ hỗ trợ tại các bệnh viện; đội hình sinh viên tình nguyện từ các trường Y Dược hỗ trợ bệnh viện dã chiến, khu cách ly; đội hình phòng chống dịch tại địa phương; đội hình kiểm soát người ra vào và kiểm tra y tế; đội hình hỗ trợ khai y tế, tiêm vắc xin.

Đồng thời, thanh niên còn tích cực hỗ trợ người dân, thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong nhiều chương trình như: San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch, Triệu bữa cơm, Triệu túi an sinh, Nối vòng tay thương, ATM Oxy cung cấp oxy cho người bệnh, ATM gạo, gian hàng 0 đồng, Hát để sẻ chia, Hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Để có được những hoạt động hiệu quả đó, chị Hoa cho rằng, tổ chức Đoàn, Hội đã chủ động, sáng tạo thiết kế các chương trình, hoạt động phát huy sự tham gia của người trẻ; khởi xướng các chương trình điểm, mô hình mẫu để nhân rộng tại các địa phương, tạo được sự đồng thuận và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Công nghệ, mạng xã hội cũng được áp dụng rộng rãi trong huy động tình nguyện viên.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, đồng hành của các cấp ủy, chính quyền; các hoạt động đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên, huy động sự tham gia của toàn xã hội để đồng hành với các hoạt động của thanh niên trong phòng chống COVID-19.

Thay đổi về cách nhìn thế hệ trẻ

Tham gia chia sẻ có chị Trương Lệ Diễm - Ủy viên Hội LHTN Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Khoa Điều dưỡng Bệnh viện số 2 ĐH Y khoa Quảng Tây (Trung Quốc). Chị Diễm là Đội trưởng phân đội điều dưỡng của đội y tế chi viện tỉnh Hồ Bắc phòng, chống dịch COVID-19 đợt hai năm 2020.

"Có nhiều người đã hỏi tôi lý do tình nguyện đến thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc tham gia chống dịch, và tôi cũng có lúc đã tự hỏi tại sao. Câu trả lời là tôi nghĩ mình phù hợp vì có chuyên môn y tế, có kinh nghiệm khám cấp cứu nhiều năm và kinh nghiệm điều phối, xử lý công việc", chị Diễm nói.

Chị Diễm cho biết, trong đội hình tình nguyện tăng cường chống dịch ở Hồ Bắc nói chung và đội hình của Quảng Tây nói riêng, phần lớn là người trẻ, có những người sinh năm 1997.

"Lúc đầu tôi có lo lắng vì những người trẻ trong đội hình đa số là con một trong gia đình, lớn lên trong sự bao bọc của bố mẹ. Đến Vũ Hán, trong khi tình hình dịch bệnh chưa rõ ràng, họ liệu có bảo vệ tốt bản thân và chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Nhưng, thực tế đã chứng minh những lo âu của tôi là thừa", chị Diễm nói.

Vượt qua những diễn biến dịch phức tạp, áp lực công việc những người trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, họ khẳng định bản thân dũng cảm, sáng tạo và trách nhiệm; đồng thời, thay đổi cách nhìn nhận trước đây về người trẻ, nhất là thế hệ 9X.

Kỹ năng hội nhập quốc tế

Cùng ngày, các đại biểu đã trao đổi chuyên đề "Những kỹ năng cần thiết cho thanh niên hai nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng".

Các ý kiến thống nhất cho rằng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp là những kỹ năng nền tảng cần phải có để người trẻ có thể hội nhập.

Bên cạnh đó, có các ý kiến chia sẻ cách làm, mô hình trang bị, bồi dưỡng các kỹ năng cho thanh thiếu nhi. Đại biểu Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội giới thiệu về các hoạt động tạo môi trường rèn luyện hội nhập của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đại biểu Phạm Ngọc Phương Thủy (nghiên cứu sinh Báo chí truyền thông, Đại học Hạ Môn; Ủy viên Ban Cán sự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) nói về vai trò của việc học tập, trau dồi, rèn luyện ngoại ngữ trong việc nâng cao kỹ năng hội nhập.

Chuyên đề cũng có những ý kiến chia sẻ từ đại biểu Tần Tử Tây - Ủy viên Hội LHTN tỉnh Quảng Tây.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.