Thanh Hóa: Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành và địa phương liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện “Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025”.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX tiếp tục xác định Chương trình Phát triển KKTNS&CKCN là một trong 6 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2021–2025.

Theo đó, chương trình trọng tâm này xác định mục tiêu “Xây dựng và phát triển KKTNS&CKCN trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước”. Các nhiệm vụ cho giai đoạn 5 năm tới cũng tập trung vào xây dựng và phát triển CKCN trên địa bàn tỉnh, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy để tạo ra các cực tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh. Từ đó, bảo đảm được các chỉ tiêu mà Chương trình Phát triển KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 đã đề ra.

Thanh Hóa: Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng đoàn công tác khảo sát công tác quy hoạch một số tuyến đường giao thông tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thuận lợi và khó khăn, những khả năng tác động cả tích cực và tiêu cực, từng chỉ tiêu cụ thể cho phát triển các KKT, KCN của tỉnh giai đoạn 5 năm tới đã được đưa ra. Theo đó, giá trị sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, thương mại đạt 1.463.000 tỷ đồng, trong đó KKTNS đạt 1.218.000 tỷ đồng, CKCN đạt 245.000 tỷ đồng. Tổng giá trị xuất khẩu tại KKTNS&CKCN giai đoạn này phấn đấu đạt 26.340 triệu USD; trong đó, KKTNS 17.250 triệu USD, CKCN 9.909 triệu USD. Tỉnh sẽ phấn đấu huy động và kêu gọi đầu tư thêm 4.000 ha hạ tầng công nghiệp, hướng tới thu hút đầu tư thêm 17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Mục tiêu đến cuối năm 2025, các dự án sẽ lấp đầy 50% đất công nghiệp tại KKTNS, lấp đầy 100% tại KCN Bỉm Sơn, 50% tại KCN Lam Sơn – Sao Vàng, từ 20% trở lên ở các KCN khác. So với thời điểm hiện tại, đến cuối năm 2025, dự kiến sẽ có thêm 120.000 người có thêm việc làm; trong đó, KKTNS 50.000 lao động và CKCN 70.000 lao động.

Thanh Hóa: Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ảnh 2

Điểm mới trong giai đoạn phát triển này là gì?

So với các giai đoạn trước, Chương trình Phát triển KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 có nhiều nội dung mới, mang theo nhiều kỳ vọng. Ngoài KKTNS, trước đây Thanh Hóa được quy hoạch và đang phát triển 8 KCN, gồm: Lam Sơn – Sao Vàng, Bãi Trành, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc ga, Thạch Quảng và Ngọc Lặc. Tuy nhiên, giai đoạn 2021–2025, Thanh Hóa phấn đấu sẽ xây dựng thêm một số KCN ở nhiều vùng khác nhau nhằm khơi dậy tiềm năng, tạo thêm việc làm cho người dân. Những KCN mới sẽ sớm được xây dựng và thu hút đầu tư, như: Phú Quý (Hoằng Hóa), Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa), Tượng Lĩnh (Nông Cống), Hà Long (Hà Trung), Phong Ninh và Yên Lâm (Yên Định)...

Trong định hướng lộ trình phát triển hạ tầng KKT, KCN tỉnh giai đoạn này, cũng có nhiều nội dung mới, như: Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKTNS; đầu tư ga Trường Lâm và tuyến đường sắt từ ga Trường Lâm đến Cảng Nghi Sơn.

Thanh Hóa: Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm ảnh 3

Giai đoạn này, tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư các cảng cạn ICD và trung tâm Logictics. Trong phát triển hạ tầng cảng biển Nghi Sơn, phấn đấu từ nay đến quý IV–2023, Ban Quản lý KKTNS&CKCN tỉnh chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông – Vận tải để thực hiện Dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa”. Ngoài ra, tỉnh cũng kêu gọi đầu tư phát triển cảng biển nước sâu tại đảo Hòn Mê, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 250.000 DWT.

Nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất tại các KKT, KCN cũng được đặt ra cho giai đoạn 2021–2025 gắn với phát triển Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn, các trường đào tạo trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả và phát huy mô hình liên kết “5 nhà”, gồm: Nhà nước – nhà trường – nhà khoa học – nhà tuyển dụng – nhà đầu tư để có chiến lược tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tại KKTNS&CKCN.

Để thực hiện được những mục tiêu và định hướng đề ra, từng sở, ban, ngành của tỉnh đã được giao những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

MỚI - NÓNG