Thanh Hóa chìm trong lũ, nguồn nước ở đâu ra?

TPO - Sau hơn 1 tuần mưa lũ, nhiều địa phương trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn bị chia cắt, bản làng tan hoang, nhiều nghi vấn về lũ về nhanh, mạnh là do việc xả lũ?

Gần 50 năm mới có trận lũ lớn

Quan Hóa là một trong những huyện miền núi bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ này. Nhiều cầu, trường, nhà, công trình bị cuốn trôi theo dòng lũ. Rất may không có thiệt hại về người, ước tính con số thiệt hại hơn 153 tỷ đồng (thống kê chưa đầy đủ). Đến thời điểm này, nhiều nơi tại Quan Hóa sập đổ ngổn ngang, bùn lấp cao nhiều mét chưa thể khắc phục. Thời điểm nước đổ về lớn là ngày 30/8, đến mức người dân nghi ngờ bị vỡ đập Thủy điện Trung Sơn.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Bá Diệm – bí thư huyện ủy Quan Hóa cho biết: Không riêng gì Quan Hóa, mà nhiều huyện khác cũng có nghi vấn về xả lũ gây thiệt hại hại lớn. Tuy nhiên, phía ngành chức năng của tỉnh cũng đã có những giải thích về thời tiết bất thường, lượng nước thượng nguồn đổ về lớn. Đối với Quan Hóa, thì tính từ năm 1975 tới nay mới có trận lũ kinh hoàng thế này. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trước đây, nước lũ lên từ từ, còn trận lũ vừa qua thì nước lên quá nhanh.

Trong khi đó, sau hơn 1 tuần mưa, lũ tàn phá huyện Mường Lát, đến ngày 6/9, đường lên Mường Lát vẫn bị chia cắt. Việc cứu trợ, di chuyển về trung tâm Mường Lát chỉ đi duy nhất bằng đi bộ và đi xuồng qua sông Mã. Một số bản của Mường Lát gần như bị vùi lấp hoàn toàn. Trong đó, hiện có xã Mường Chanh, bản Ón, xã Tam Chung vẫn bị chia cắt với trung tâm huyện. Đây là huyện có số người chết, mất tích do lũ nhiều nhất (7/12 người). Thiệt hại về người, tài sản của Mường Lát chủ yếu là do mưa lớn, dài ngày cộng với nước thượng nguồn đổ về gây sạt lở vùi lấp người, nhà của, công trình… Theo người dân Mường Lát thì 50 trở lại đây, chưa có trận lũ nào lớn như trận lũ này.

Còn ở các vùng hạ lưu như Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thạch Thành… đều được ghi nhận là mưa kéo dài nhiều ngày, nước lũ lên nhanh, thiệt hại nhiều tài sản. “Chúng tôi có nghe, nhận được thông báo lũ, xả lũ. Tuy nhiên, do chủ quan cho rằng nước lũ không thể lên nhanh nên mọi người chậm di chuyển đồ đạc, tài sản. Không ngờ, nước dâng trong đêm, lúc rạng sáng khiến mọi người không kịp trở tay” – Bà Nguyễn Thị Lê, huyện Cẩm Thủy cho biết.

Mưa, lũ vượt mốc lịch sử, thủy điện cắt lũ?

Lý giải về nghi vấn của người dân cho rằng do xả lũ của Thủy điện Trung Sơn trong thời gian từ ngày 28-31/8 vừa qua gây thiệt hại lớn, ông Đặng Tiến Dũng, chi cục trưởng Chi cục Đê điều & PCLB - Phó chánh văn phòng Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ ngày 28-31/8, khu vực miền núi phía Tây Bắc Thanh Hóa đã có mưa rất to, đặc biệt tại Mường Lát lượng mưa vượt mốc lịch sử (năm 1996). Trong khi đó, lũ cũng được ghi nhận ở các điểm Cẩm Thủy, Mường Lát, Quan Hóa… vượt mốc lũ lịch sử (năm 2007). Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, cùng với nước từ thượng nguồn sông Mã (từ bên Lào) đổ về là nguyên nhân chính khiến cho nước lũ lên nhanh, có sức tàn phá lớn tại Thanh Hóa.

Cụ thể, tại Mường Lát, từ ngày 28-31/8, lượng mưa đo được là 376 mm. Lượng mưa lớn kéo dài, cộng thêm nước từ trên thượng nguồn sông Mã đổ về gây thiệt hại lớn cho huyện Mường Lát. Đây là huyện nằm ở lưu vực phía trên, không bị ảnh hưởng của việc xả lũ ở Thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa). Điều này là một trong những thực tế đã loại bỏ nghi vấn lũ lớn ở Thanh Hóa là do xả lũ của Thủy điện Trung Sơn.

Ngoài ra, theo ông Dũng thì quá trình xả lũ tại Thủy điện Trung Sơn trong thời gian này được thực hiện nghiêm ngặt, theo đúng quy định. Các số liệu xả lũ được cập nhật liên tục, cho thấy Thủy điện Trung Sơn tham gia cắt lũ cho vùng hạ lưu. Cụ thể, tại thời điểm 15h ngày 30/8, lưu lượng nước đến là 4.853 mét khối/s, tổng lưu lượng nước xả của Thủy điện Trung Sơn 3.361 mét khối/s, Thủy điện Trung Sơn đã cắt lũ lại là 1.492 mét khối/s.

Trong khi đó, tại thời điểm 24h ngày 30/8 (thời gian truyền lũ từ Thủy điện Trung Sơn đến Thủy điện Bá Thước II khoảng 9 giờ), lưu lượng nước đến Thủy điện Bá Thước 2 là 8.652 mét khối/s. Từ  số liệu trên cho thấy, lượng nước từ mưa, lũ ở khu giữa (các sông nhánh) đổ vào sông Mã đoạn từ Thủy điện Trung Sơn đến Thủy điện Bá Thước 2 là 5.291 mét khối/s. Các số liệu xả lũ tiếp theo sau đó đều cho thấy thủy điện Trung Sơn đã tham gia cắt lũ cho hạ du trong đợt lũ vừa qua.

Trao đổi nhanh với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua thực tiễn và phân tích của ngành chức năng, lũ lớn gây thiệt hại lớn về người (12 người chết, mất tích) và tài sản là do nguyên nhân về thời tiết mưa lớn, kéo dài, cộng với nước từ thượng nguồn đổ về. Trong đợt lũ này, việc xả lũ của thủy điện Trung Sơn (trên sông Mã, đoạn qua địa bàn xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa) với lưu lượng xả thấp hơn lưu lượng nước đến đã góp phần cắt, giảm lũ. Các số liệu phân tích cho thấy, đợt mưa, lũ này vượt mốc mưa, lũ lịch sử của năm 1996, 2007.

Một hình ảnh thiệt hại tại Thanh Hóa do lũ:

Thanh Hóa chìm trong lũ, nguồn nước ở đâu ra? ảnh 1
Thanh Hóa chìm trong lũ, nguồn nước ở đâu ra? ảnh 2

Cầu bị đổ sập, cuốn trôi

Thanh Hóa chìm trong lũ, nguồn nước ở đâu ra? ảnh 3

Đường bị sạt lở

Thanh Hóa chìm trong lũ, nguồn nước ở đâu ra? ảnh 4

Tài sản bị cuốn trôi

Thanh Hóa chìm trong lũ, nguồn nước ở đâu ra? ảnh 5

Nhà bị đổ sập

MỚI - NÓNG