Trái cây độc, lạ không đủ bán
“Tính đến ngày 19/1, hơn 2.200 trái dừa tạo hình tài lộc đã bán sạch cho thương lái ở Hà Nội, TPHCM”, anh Huỳnh Thanh Tâm năm nay 31 tuổi ở ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành (Châu Thành, Bến Tre) là chủ cơ sở sản xuất dừa tạo hình mở đầu câu chuyện với phóng viên Tiền Phong giọng đầy phấn khởi.
Theo anh Tâm, thực tế sản lượng dừa của anh đã được thương lái đặt mua hết cách đây hơn 1 tháng với giá trung bình 300.000 đồng/trái. Tuy nhiên, hơn tuần nay mới bắt đầu giao hàng đi Hà Nội, miền Trung, TPHCM… cho thương lái phục vụ Tết.
Nói về ý tưởng để chế ra trái dừa tạo hình, anh Tâm cho biết, từ thời còn ngồi ghế nhà trường đã ấp ủ và tâm đắc khi thấy người Nhật tạo được trái dưa tròn thành hình vuông. Hơn nữa, các nhà vườn ở Hậu Giang tạo hình từ bưởi năm roi thành hình hồ lô in chữ bán giá bạc triệu. Trong khi, quê anh xứ dừa nổi tiếng khắp cả nước mà thường xuyên trong cảnh được mùa mất giá, nông dân vẫn nghèo.
Nghĩ là làm, năm 2014 anh bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Ban đầu, anh dùng lon sữa bò cắt bỏ một phần trùm lên trái dừa. Hơn một tháng, trái dừa biến dạng phình to phần đầu không như ý muốn. Tiếp đến, anh thử nghiệm thêm nhiều loại khuôn trên nhiều loại dừa khác nhau. Sau gần 2 năm miệt mài nghiên cứu với cả chục lần thất bại thì cuối cùng sản phẩm dừa in hình Tài – Lộc đầu tiên hoàn thiện ra đời vào cuối năm 2015. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm dừa tạo hình của Bến Tre đã được nhiều người biết đến. Đồng thời, đưa cây dừa lên một tầm giá trị mới.
Dịp Tết 2016, anh sản xuất khoảng 500 trái dừa in chữ “Tài - Lộc” đưa ra thị trường nhưng không đủ bán. Sang năm 2017, anh sản xuất hơn 4.000 trái dừa nhưng tỷ lệ đạt để bán được cho khách chỉ hơn 50%. “Hiện nay nhu cầu dừa tạo hình phục vụ Tết rất lớn. Nhiều thương lái gọi điện đặt hàng nhưng không đủ giao. Sang năm tới tôi sẽ hợp tác nhà vườn địa phương cùng sản xuất, nhân rộng mô hình đưa giá trị trái dừa quê mình lên gấp nhiều lần so hiện tại”, anh Tâm chia sẻ.
Tại Hậu Giang, vào những ngày này không khí trong các nhà vườn làm trái cây tạo hình không kém phần nhộn nhịp với cảnh thương lái, người dân đến mua cũng như thu hoạch để chuyển đi nơi khác. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, xã Phú Tân (Châu Thành) cho biết, toàn CLB có 24,6 ha với 26 thành viên. Năm nay sản xuất 2.400 cặp bưởi hồ lô tài lộc, 400 cặp bưởi hồ lô thư pháp và 500 quả đào tiên hồ lô. “Đến thời điểm này, thương lái đã đặt hết hàng của các thành viên trong CLB. Hai hôm nay, nhiều người gọi điện đến nhưng không có để bán cho khách”, ông Thành nói. Giá bán các sản phẩm như: hồ lô tài lộc giá trung bình từ 400 nghìn đến 1,5 triệu đồng/cặp; tài lộc thư pháp giá 800 nghìn đến 1 triệu đồng/cặp, còn đào tiên hồ lô có giá 400 nghìn đến 1 triệu đồng/cặp.
Ông Thành cho biết, nét mới là trước đây làm thủ công thì hiện nay làm khuôn bằng kỹ thuật số cho đường nét đẹp, mịn hơn. Hiện nay, vùng nguyên liệu tại chỗ đang xuống cấp, già cỗi nên bà con đang cải tạo lại mảnh vườn (vì tuổi đời cây từ 4 - 10 năm tạo hình mới tốt). Đồng thời, đi sang các tỉnh lân cận khác trong vùng để tìm nguyên liệu làm.
Lão nông Võ Hồng Quốc, 77 tuổi – thành viên CLB trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, người tạo hình thành công đào tiên hình hồ lô, cho biết, để tạo hình thì từ khi trái đào còn bằng quả trứng gà bắt đầu cho vào khuôn để “ép” theo hình hồ lô. Sau đó, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ đến thu hoạch mất gần 6 tháng mới cho ra sản phẩm như ý muốn. Theo lời ông, đào tiên ở nông thôn giá trị thấp, người dân trồng chủ yếu làm thuốc hoặc làm kiểng. “Giá trị trái đào tiên thấp nên tôi muốn “nặn” thành hình hồ lô, dự kiến năm sau sẽ thêm hình thỏi vàng để nâng giá trị lên giúp nông dân thoát nghèo”, ông Quốc nói.
Vàng rực cánh đồng dưa Tết
Những ngày này, cánh đồng dưa phục vụ Tết Nguyên đán chín vàng rực rỡ khắp cánh đồng, còn các chủ dưa đang tất bật chăm sóc tỉ mỉ dưa tạo hình trên ruộng của mình. Anh Nguyễn Văn Phúc ở ấp Hưng Lợi, xã Tân Hưng (Bình Tân, Vĩnh Long) trồng 0,4 ha dưa hấu vàng với sản lượng dự kiến hơn chục tấn, trong đó có khoảng 700 cặp tạo hình thỏi vàng với chữ “Tài - Lộc” rực rỡ đang khoe sắc phục vụ thị trường Tết.
Theo lời anh Phúc, trồng dưa hấu bình thường để cho trái đẹp trưng Tết đã không dễ nhưng làm ra hình thỏi vàng càng khó hơn gấp chục lần. “Để tạo ra hình trái dưa như thỏi vàng với chữ Tài - Lộc rất công phu, đòi hỏi phải kiên trì và đam mê mới làm được”, anh chia sẻ. Giá mỗi cặp dưa hình thỏi vàng tại ruộng có giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/cặp, tùy loại.
Ông Trần Phước Hòa, thương lái từ TPHCM xuống tận ruộng của anh Phúc mua dưa để bán Tết. Ông cho biết, mấy năm gần đây người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm độc, lạ để trưng trong nhà vào những ngày Tết.