Thẩm quyền cánh tay dài, Trung Quốc bị khoét lại vết thương cũ

Nhiều người cho rằng Mỹ có thể sử dụng thẩm quyền cánh tay dài chủ yếu do sức mạnh của Mỹ
Nhiều người cho rằng Mỹ có thể sử dụng thẩm quyền cánh tay dài chủ yếu do sức mạnh của Mỹ
TPO - Vụ bắt giữ và khả năng dẫn độ sang Mỹ Phó chủ tịch kiêm giám đốc tài chính tập đoàn Huawei tại Canada đã làm dấy lên những tranh luận rằng làm cách nào mà Mỹ có thể áp luật nội địa của họ lên các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

Có rất ít thông tin được công bố về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu hôm 1/12 tại sân bay Vancouver theo yêu cầu của Mỹ, nhưng thông tin được đăng tải rộng rãi là Washington đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh dựa trên các cáo buộc gian lận liên quan đến hành vi vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và EU.

Bà Mạnh sau đó được cho tại ngoại với mức tiền 10 triệu đô la Canada. Bà sẽ phải ra tòa vào ngày 6/2 tới để nghe phán quyết về vấn đề dẫn độ.

Vụ việc làm bùng lên cơn thịnh nộ trong dư luận Trung Quốc, khơi lại vết thương cũ trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Bà Mạnh và công ty của bà là ví dụ mới nhất của “thẩm quyền cánh tay dài” (thẩm quyền trị ngoại), một quyền lực thường bị Trung Quốc cho là thể hiện bá quyền và “chủ nghĩa đế quốc” của Mỹ.

Thẩm quyền cánh tay dài là gì?

Thẩm quyền cánh tay dài là khả năng của một nước có thể áp dụng luật và quy định của họ đối với các chủ thể ở các nước khác, thường thông qua tòa án.

Ông Jerry Fang, một đối tác tại công ty luật Zhong Lun tại Bắc Kinh, nói rằng Mỹ sử dụng ảnh hưởng của họ đối với các công ty không phải của Mỹ thông qua việc kiểm soát xuất khẩu, đánh giá tác động an ninh quốc gia đối với đầu tư nước ngoài, chống rửa tiền và chống tham nhũng, các quy định về chứng khoán.

Bộ Tư pháp và Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ phụ trách quản lý các vấn đề kiểm soát xuất khẩu và cấm vận; Bộ Tư pháp Mỹ giám sát vấn đề chống rửa tiền, chống tham nhũng và đánh cắp bí mật thương mại; Bộ Tư pháp và Ủy ban chứng khoán giám sát các vụ liên quan đến chứng khoán.

Chuyên gia luật Ling Bing, công tác tại ĐH Sydney, Úc, giải thích rằng “thẩm quyền cánh tay dài” chủ yếu là khái niệm chính trị, và việc thực thi nó thường gây tranh cãi vì không có định nghĩa rõ ràng trong luật quốc tế.

“Dù không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, nhưng thẩm quyền cánh tay dài không hẳn là phạm luật”, ông Ling nói.

Chuyên gia này cho biết Trung Quốc và các nước châu Âu đã chấp nhận thực thi quyền tài phán ngoài lãnh thổ đối với các thực thể nước ngoài vi phạm luật cạnh tranh hoặc luật chống độc quyền.

Nhưng việc sử dụng thẩm quyền cánh tay dài đã gây tranh cãi khi áp dụng đối với các hành vi vi phạm kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt kinh tế đơn phương chứ không phải trừng phạt quốc tế. Và cách làm này chủ yếu chỉ có Mỹ thực hiện, ông Ling cho biết.

“Nhưng rất hiếm thấy Mỹ đưa ra cáo buộc hình sự ngay lập tức, dựa trên luật nội địa của họ, sau khi xảy ra việc bắt giữ một lãnh đạo doanh nghiệp của nước khác”, ông Ling nói về trường hợp của bà Mạnh.

Thẩm quyền cánh tay dài, Trung Quốc bị khoét lại vết thương cũ ảnh 1 Bà Mạnh Vãn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, đối mặt với án tù 30 năm nếu bị dẫn độ sang Mỹ. (Ảnh: SCMP)

Gây tranh cãi

Ông Zhiqun Zhu, một giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Bucknell ở Pennsylvania, nói rằng vụ bắt giữ bà Mạnh mang tính chất địa chính trị nhiều hơn là pháp lý hay tài chính.

“Đây là vụ việc phức tạp. Chính phủ Mỹ từ lâu coi Huawei là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Vì thế, có một bí mật mà ai cũng biết là chính phủ Mỹ sẽ nhằm vào Huawei không sớm thì muộn”, ông Zhu nói.

“Không phải quá xa vời khi nghĩ rằng Mỹ cố ép Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn trong thời gian thương lượng 90 ngày sau cuộc gặp của ông Tập và ông Trump ở Buenos Aires”, ông Zhu nói.

Chuyên gia này cho rằng không phải tình cờ mà Mỹ chọn cách bắt bà Mạnh ở Canada.
“Việc kéo Canada vào vụ này là bước đi có tính toán, cho thấy không chỉ Mỹ mà cả các đồng minh của họ như Canada và Úc đều coi Huawei là mối đe dọa. Kiểu liên minh quốc tế này sẽ gia tăng thêm sức ép lên Trung Quốc”, ông Zhu đánh giá.

Tuy nhiên, những chuyên gia pháp lý và quan hệ quốc tế khác, nhất là ở Mỹ, cho rằng không nên suy diễn quá nhiều về vụ này.

“Đây không phải thẩm quyền cánh tay dài. Mỹ có hiệp ước dẫn độ với Canada. Bà Mạnh vi phạm luật của Mỹ. Bà ấy xuất cảnh ở Canada nên tạo cơ hội cho việc bắt giữ”, bà Bonnie Glaser, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, nói.

Chuyên gia này cho rằng vụ bắt bà Mạnh không liên quan đến chiến tranh thương mại hay tiến trình đàm phán tiến triển chậm chạp giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Julian Ku, một giáo sư ngành luật quốc tế tại ĐH Hofstra ở New York, cũng nói rằng việc áp dụng thuật ngữ “thẩm quyền cánh tay dài” trong vụ bắt bà Mạnh là sai lầm, và rằng cụm từ này thường bị sử dụng sai.

“Mỹ thỉnh thoảng tìm cách áp luật của họ đối với các hoạt động xảy ra bên ngoài nước Mỹ, nhưng chủ yếu dựa trên quan điểm rằng những hoạt động đó tác động đáng kể lên Mỹ”, ông Ku nói.

Ông Zhao Xiaozhuo, phó giám đốc Trung tâm quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ tại Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho rằng vụ bắt bà Mạnh cho thấy Mỹ sẽ gia tăng áp dụng luật của họ lên các công ty Trung Quốc.

“Đây là một rủi ro mà chúng tôi phải đối mặt khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đang đầu tư ở nước ngoài”, ông Zhao nói.

Còn ông Pang Zhongying, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, cho rằng vụ bắt bà Mạnh cho thấy “chúng ta vẫn sống trong một trật tự thế giới mà Mỹ là trung tâm”.

“Dù có suy giảm tương đối trong những năm gần đây, Mỹ vẫn duy trì địa vị thống trị trong các vấn đề quốc tế kể từ sau Thế chiến 2”, ông Pang nói.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG