Tham nhũng vẫn nghiêm trọng dù luật sửa liên tục

Căn biệt thự của gia đình Giang Kim Đạt, ở phường Bình An, quận 2, TPHCM.
Căn biệt thự của gia đình Giang Kim Đạt, ở phường Bình An, quận 2, TPHCM.
TP - “Khi ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005, chúng ta nói rằng, có luật thì tham nhũng sẽ giảm hẳn. Nhưng kỳ thực, sau 10 năm và sau hai lần sửa, đến nay tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Do đó, lần này phải tổng kết một cách sâu sắc, thực chất, chứ không phải là tổ chức hội nghị, hội thảo để rồi vỗ tay”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ngày 24/5 nói tại hội thảo về một số vấn đề lớn cần sửa đổi trong Luật PCTN.

Đánh giá về thực trạng PCTN, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác phát hiện, xử lý, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội. Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn và những hạn chế trong việc công khai, minh bạch.

Lương thấp mà mua ô tô, cho con đi học nước ngoài

Cũng đề cập đến việc minh bạch kê khai tài sản, thu nhập, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thừa nhận, hiện nay mới chỉ kiểm soát được các khoản chi trả qua tài khoản, các khoản kê khai nộp thuế, hoặc tài sản đã được đăng ký, còn những khoản khác là rất khó.

Trong khi đó, để tránh bị phát hiện, xử lý, những kẻ tham nhũng thường tìm cách chuyển tài sản cho bố, mẹ, anh, chị… Ngay cả trường hợp phát hiện người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản không đúng, theo ông Hùng, cũng không có cơ chế để xử lý. “Qua kiểm tra chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp che giấu tài sản lớn nhưng không có cơ chế nào để xác minh đó có phải là tài sản tham nhũng không, vì không truy được nguồn gốc”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, một công chức đang đi làm bằng xe máy bỗng dưng chuyển sang đi ô tô, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu kiểm tra, xác minh ngay. Hay cán bộ, công chức cho con đi học nước ngoài thì cũng phải giải thích, làm rõ nguồn tiền lấy từ đâu ra.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, nếu cứ để tình trạng “kê khai tài sản xong lại đút vào ngăn kéo”, không xác minh, giám sát thì mãi không phát huy được hiệu quả.

“Nhìn bảng kê khai nhiều người nói rằng, sao cán bộ nghèo, lương thấp thế mà lại đi ô tô rất nhiều.Chúng ta thử hỏi những người đang có mặt ở hội nghị này mà xem, nếu chỉ dùng đồng lương thì tiết kiệm bao nhiêu năm mới có thể mua được ô tô. Thế mà công chức giờ đây mua ô tô nhiều thế. Tiền ở đâu ra? Những cái đó cần phải được làm rõ”, ông Cương đề nghị.

Đề xuất tịch thu tài sản không minh bạch

Đề cập đến những định hướng trong việc sửa đổi Luật PCTN tới đây, ông Tuấn Anh cho rằng cần bổ sung các quy định, khi có kết luận người kê khai tài sản không trung thực, không giải trình được hợp lý thì cơ quan tiến hành xác minh có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét truy thu thuế. Ngoài ra, có thể  yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp pháp của quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc để có cơ sở xử lý.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì tài sản đó phải bị coi là tài sản tham nhũng, bị tịch thu và người đó sẽ bị xử lý trách nhiệm tùy theo giá trị tài sản không giải trình được. Đồng thời, để tránh việc dịch chuyển tài sản, ông Hùng đề nghị bổ sung quy định người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm giải trình khi phát hiện người thân gồm: cha, mẹ , vợ, chồng… có tài sản tăng thêm hoặc tiêu dùng số tiền lớn so với thu nhập.

Đề cập tham nhũng có yếu tố nước ngoài, đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm. Theo ông Hiển, các vụ án tham nhũng thường xảy ra trong thời gian dài rồi mới bị phát hiện. Vì thế nhiều đối tượng đã kịp thời cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn việc thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tài sản tham nhũng đã được các đối tượng tẩu tán, chuyển ra nước ngoài nên rất khó thu hồi. Điển hình như vụ Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản xảy ra ở Vinashinlines, sau khi chiếm đoạt đã nhờ bố đẻ đứng tên mở nhiều tài khoản ngoại tệ để chuyển tiền ra nước ngoài mua biệt thự, nhà đất tại Singapore và Anh. Vụ Dương Chí Dũng (Vinalines) thì chỉ xác minh được hành vi tại Singapore, còn ủy thác tư pháp hình sự liên quan đến việc xác minh bán ụ nổi tại Nga không thực hiện được.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.