Đền bù thu hồi đất chưa công khai, minh bạch
Ngày 17/10, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Liên quan đến môi trường, đất đai, cử tri và nhân dân ghi nhận những chuyển biến trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương không theo quy hoạch; vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép. Việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp; còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết thỏa đáng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện bức xúc, kéo dài.
Cơ quan tổng hợp báo cáo đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường đối thoại, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thời gian qua, cử tri và nhân dân cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước và không khí tiếp tục xảy ra ở các khu công nghiệp, khu dân cư, nông thôn và đô thị, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân; việc nhập khẩu phế liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trong quản lý và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân trong bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm.
Minh bạch tài sản, thu nhập
Theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, kỷ luật nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ và kẽ hở của pháp luật để tham nhũng, “lợi ích nhóm” gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính. Những biểu hiện tiêu cực này thường chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, hầu như không được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Namđề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; coi trọng các giải pháp phòng ngừa; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thực hiện thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc Luật phòng chống tham nhũng (sau khi được Quốc hội thông qua), kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là với các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập, về thu hồi tài sản tham nhũng, về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Tránh độc quyền sách giáo khoa
Theo ông Mẫn, cử tri đánh giá cao việc triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức triển khai và những kết quả, thành tích đã đạt được.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện; việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn bất cập dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học; phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần gây lãng phí cho xã hội; các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 - 2019 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong nhân dân.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức thi và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.