Thăm đèn Tiên Nữ, ngọn hải đăng ở Trường Sa

Thăm đèn Tiên Nữ, ngọn hải đăng ở Trường Sa
TP - Ai trong chúng tôi cũng mong được một lần tận mắt ngắm đèn hải đăng Tiên Nữ. Ngọn đèn biển cực đông của Tổ quốc ấy vẫn hằng đêm thắp lên ánh sáng Việt Nam.

Những chuyến ra Tiên Nữ bao giờ cũng khó khăn. Tôi nhớ năm 1999, ra đến Tiên Nữ con tàu HQ 633 phải trải qua nhiều ngày gió lớn. Sóng tràn qua boong, người nằm trong khoang bị văng bắn đi cùng những củ đậu. Khi đến Tiên Nữ, tàu giảm tốc độ, kéo ba hồi còi chào, nhiều người xúc động ứa nước mắt.        

Chuyến đi Trường Sa đầu năm 2008 này trời yên biển lặng, thực khác thường!  Ông Đỗ Như Phú, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa nói: “Chưa bao giờ ra Tiên Nữ mà thời tiết thuận hòa như năm nay”. Anh Quân, Đoàn phó Đoàn Trường Sa nhất quyết: “Thời tiết đẹp thế này, phải cho anh em báo chí ra thăm đèn Tiên Nữ một chuyến”.

Tin đó làm anh em báo chí chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Bởi nhẽ, từ đảo ra đến đèn hải đăng Tiên Nữ phải qua một cái hồ nằm trong bãi đá. Tàu lớn không vào được. Xuồng chỉ được phép chạy khi thời tiết thật thuận lợi. Chẳng mấy người đến thăm được nhà đèn.

Ông Đỗ Như Phú nói: “Việc xây dựng đèn biển vô cùng công phu, gian khổ. Tựa như dã tràng xe cát biển Đông vậy. Lắm khi cứ nghĩ chẳng biết khi nào mới xây dựng xong”.

Ngọn đèn được xây trên bãi đá ngầm, cách xa nơi con tàu chở vật liệu neo đậu. Phải vận chuyển nguyên, vật liệu vào bằng xuồng vận tải. Lại lựa lúc con nước lên, xô nước mà đẩy xuồng đi. Mỗi ngày có một lần nước lên thôi. Rồi sóng to, gió lớn.

Nhưng vượt lên sóng gió, ngọn đèn đã vươn cao, tỏa ánh sáng ấm áp trong những đôi mắt của người đi biển và của người lính biển.

Chúng tôi cập đảo Tiên Nữ nghỉ ngơi ăn cơm rồi vội xuống xuồng sang thăm nhà đèn.

Áo phao dĩ nhiên trên đảo không có sẵn. Nhưng sau khi hội ý với nhau, tất cả anh em báo chí đều đồng lòng xuống xuồng sang thăm nhà đèn. Máy ảnh, máy quay phim được huy động tối đa. “Đời chúng ta có lẽ chỉ một lần được nhìn cận cảnh ngọn hải đăng Tiên Nữ này thôi” - Chúng tôi háo hức nói với nhau như vậy.

Giữ ánh sáng cho biển quê hương

Chiếc xuồng máy nhỏ đưa chúng tôi đi qua hồ nước rộng. Sóng trong hồ không lớn như ngoài đại dương nhưng so với cái xuồng máy nhỏ, nó cũng thực đáng gờm.

Trong khi chúng tôi đang háo hức chờ giây phút chụp ảnh ngọn đèn biển cực đông thì anh Khương cán bộ phòng Chính trị, Đoàn Trường Sa tỏ ra lo lắng. Xuồng của chúng tôi quá tải. Đã thế, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng nên chẳng ai biết “tính tình” nó thế nào. Mặc dù lái xuồng là Thuyền phó của tàu Hải quân HQ 633 đặc trách nhận nhiệm vụ, nhưng anh Khương vẫn khá lo lắng.

Đúng như dự đoán, đến giữa hồ, con xuồng máy nhỏ tự dưng … chết máy. Nó trôi dập dềnh giữa sóng nước mênh mang đem theo 12 con người. Chúng tôi không dám nhúc nhích. Nhìn về phía đảo, nhìn về phía đèn, mỗi nơi đều cách xa dăm bảy cây số. Rất may, hì hục một lúc, máy lại nổ được.

Chúng tôi bước lên đảo trong sự vui mừng khôn xiết của người nhà đèn. Anh Tấn phụ trách nhà đèn rất ít nói. Da anh ngăm ngăm, dáng vẻ khắc khổ. Anh dặn chúng tôi: “Lâu lắm rồi mới có khách đất liền ra thăm nhà đèn, anh em quý trọng tình cảm lắm đấy”.

Đúng như anh nói, chúng tôi thăm hỏi, trò chuyện, hỉ hả tới nửa giờ đồng hồ mới đi vào làm việc được. Nhưng… có những anh hầu như không nói được gì nhiều, cứ im lặng cười, thỉnh thoảng lại hỏi ngược chúng tôi!

So với lính đảo, người nhà đèn xem ra thiệt thòi hơn tí chút. Thỉnh thoảng lính đảo còn đón đoàn công tác, đón đoàn khách ra thăm. Đôi khi có cả văn công ra nữa.

Thăm đèn Tiên Nữ, ngọn hải đăng ở Trường Sa ảnh 1
Ngọn hải đăng Tiên Nữ, Trường Sa

Người nhà đèn Tiên Nữ lại khác. Mỗi năm họ chỉ đón mấy chuyến tàu chở lương thực thực phẩm của ngành ra tiếp tế. Đây là vùng biển có nhiều tàu chiến đối phương hoạt động nên cần tập trung tinh thần cao cho công việc. 

Anh Tấn đưa chúng tôi đi tham quan nhà đèn. Rau được trồng xung quanh chân đèn. Điều kinh ngạc là rau xanh tốt hơn rau trên các đảo mà chúng tôi đã đi qua. Anh Tấn nói: “Chúng tôi thường tổ chức đánh bắt cá để ăn dần, rau thì cũng tạm cân đối được”.

Dưới chân đèn có tấm biển bằng đá, ghi: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đèn Biển Tiên Nữ. Huyện Trường Sa, Tỉnh Khánh Hòa. 

Cây đèn biển hình trụ tròn, có ba tầng, trên là chóp cao. Mỗi tầng đều có hành lang lớn dành để đi lại quan sát bốn hướng nhưng phòng ở thì rất chật chội, chỉ lọt một chiếc giường cá nhân. Phòng lại không theo một hình thù nhất định nào cả.

Chiếc cầu thang trong ngọn hải đăng chỉ đủ cho một người đi, nó được làm bằng thép không gỉ trơn trượt khiến một phóng viên bị ngã cái “rầm”, suýt vỡ máy ảnh.

Chúng tôi phải rất cẩn thận khi trèo lên đỉnh cột hải đăng để ngắm chiếc bóng đèn khổng lồ sáng choang gắn trên đó, rồi quay xuống tìm hiểu lịch trực hàng ngày.

Lịch trực ghi: Từ 0h - 4h: Kiểm tra tầm hiệu lực ánh sáng lúc 2h. Theo dõi sự hoạt động của các thiết bị đèn. Quan sát khu vực hằng hải và ghi nhật ký… Từ 5h - 10h: 5h30 tắt đèn. 7h30 chạy máy phát và thông tin liên lạc…

Anh Tấn cho biết: “Hôm nào thời tiết xấu thì công việc khá gay go. Ngày mưa bão sóng biển đánh vào ngọn hải đăng rất dữ dội, tiếng sóng như tiếng bom. Sóng trùm lên ngọn hải đăng. Mùa khô thì ngọn đèn biển cao, anh em sống trên tầng cao, nắng nóng ghê gớm”.

Nhà đèn có trồng một cây bàng vuông trong chậu để nhìn cho mát mắt và cắt những mảnh tôn chế ra những cái quạt bé xíu. Quạt chạy bằng ắc quy. Chiếc radio nhỏ là người bạn không thể thiếu với họ. 

Khi chúng tôi rời ngọn hải đăng Tiên Nữ, anh Tấn lội bộ ra đẩy xuồng cho chúng tôi. Anh đứng giữa biển mà vẫy tay chào chúng tôi mãi. Gần trọn cuộc đời công tác của mình anh Tấn gắn bó với những ngọn hải đăng nơi xa xôi nhiều sóng gió.

Người vợ đầu tiên của anh không chịu nổi cảnh xa chồng lâu ngày nên đã bỏ anh đi lấy người khác để lại đứa con nhỏ không ai chăm sóc. Một tin vui đã đến với anh, nói đúng hơn là tin vui đến với những người trên quần đảo nói chung, một người phụ nữ khác đã đồng ý làm vợ anh và sẵn sàng chờ đợi anh, chăm sóc con cho anh. Thế là anh đã lại có một mái ấm gia đình, một người vợ đang đợi anh phía mặt trời lặn.

Chúng tôi vẫy tay chào anh Tấn, chào những người nhà đèn. Chúng tôi biết rằng, dù phải tác nghiệp giữa biển khơi quạnh quẽ không phố xá, không chợ búa, luôn phải đối mặt với thử thách của sóng gió nơi tiền tiêu, những người trông giữ ngọn đèn hải đăng Tiên Nữ vẫn kiên cường bám trụ ở nơi đầu sóng.

Họ thắp lên ánh sáng của ngọn hải đăng cực đông của đất nước Việt Nam, dẫn đường cho tàu bè quốc tế và tàu Việt Nam vượt qua những bãi đá ngầm, vượt qua những cơn sóng gió thất thường, hướng vào hải cảng trong đất liền.

MỚI - NÓNG