Thái Lan cấp phép tạm thời cho lao động Việt làm “chui”

Thái Lan cấp phép tạm thời cho lao động Việt làm “chui”
TP - Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Bộ Lao động Thái Lan vừa thông báo chính thức triển khai đăng ký, cấp phép 1 năm cho lao động Việt Nam đang làm việc “chui” tại nước này. Thời gian cấp phép từ ngày 1 tới 30/12/2015 và sau đó có thể gia hạn.

Để được cấp phép tạm thời 1 năm (sau đó có thể được gia hạn thêm), lao động Việt Nam làm việc “chui” tại Thái Lan phải có hộ chiếu (nếu mất hộ chiếu có thể tới Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Bangkok hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Khon Kaen cấp đổi). Lao động nhập cảnh hợp pháp lần cuối vào Thái Lan trước ngày 10/8 và đã hết hạn cư trú. Đang làm giúp việc gia đình, lao động xây dựng, đánh cá, phục vụ nhà hàng và phải có hợp đồng lao động với chủ sử dụng. Khi hoàn thiện các tờ khai, người lao động phải kiểm tra sức khỏe, đóng bảo hiểm y tế và đóng phí khoảng 1.000 bath (hơn 600 nghìn đồng).

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, động thái trên của Thái Lan nhằm tăng cường quản lý lao động nước ngoài, xử lý theo pháp luật tình trạng lao động tự do và cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, tạo thêm nguồn cung ứng lao động cho các ngành đang thiếu nhân công. Ngoài ra, còn bảo đảm lợi ích cho người lao động Việt Nam tại Thái Lan, như mức lương tối thiểu, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, bảo hiểm… 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh-Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện có hàng nghìn lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan. 

Theo ông Quỳnh, từ đầu năm 2016, Việt Nam sẽ chính thức đưa lao động sang Thái Lan làm nghề đánh bắt cá và xây dựng. Vì vậy, ông Quỳnh khuyên người lao động nên về nước để đợi đi theo con đường hợp pháp sang Thái Lan và các nước khác làm việc từ đầu năm 2016.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.