Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình thạch đen ở Tràng Ðịnh. Ảnh: Duy Chiến |
Theo báo cáo, diện tích đất tự nhiên của huyện Tràng Định là 1.017km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 5,9%; đất lâm nghiệp là 37,9%. Tận dụng thế mạnh của vùng miền núi biên giới, địa phương chủ trương phát triển những giống cây có hiệu quả kinh tế, năng suất cao để triển khai trồng đại trà. Vài năm trở lại đây, cây thạch đen được trồng với diện tích lớn, tạo đòn bẩy cho Tràng Định phát triển. Hằng năm, huyện duy trì diện tích ổn định khoảng 300 ha, năng suất bình quân từ 5,3 - 6 tấn/ha, sản lượng bình quân từ 7.000 - 11.000 tấn, giá thu mua từ 35.000 - 50.000 đồng/kg.
Bà Đặng Thị Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Tràng Định cho biết: Thạch đen hiện được trồng nhiều tại 8 xã phía Tây trong huyện như: Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Tiến, Kim Đồng, Đề Thám…
Sản phẩm thạch đen thành phẩm chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Duy Chiến |
“Bước ngoặt quan trọng của ngành nông nghiệp Tràng Định được đánh dấu bằng sự kiện năm 2020, sản phẩm thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Từ đó đến nay, huyện không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân có việc làm, thu nhập đáng kể”, bà Vân nói.
Để mở rộng chất lượng sản phẩm, huyện Tràng Định đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 63 lớp tập huấn và 19 cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức như: Hội nghị cấp xã, thôn; hội nghị trực tuyến; cấp phát tài liệu … thu hút trên 4.500 lượt người tham gia.
Tại xã Kim Đồng, nơi có diện tích thạch đen lớn nhất huyện với hơn 240 ha, trong năm 2021, toàn xã đã có 9 mã số vùng trồng được cấp. Những ngày này, dưới các tán rừng, chân đất ruộng, đất bãi bồi ven sông, ở đâu cũng thấy người dân đang khẩn trương thu hoạch cây thạch đen. Bà Đinh Thị Tuyên, ở thôn Nà Pàn, xã Kim Đồng vui vẻ cho biết, năm nay, gia đình trồng hơn một mẫu cây thạch đen, thu được khoảng 2,5 tấn lá thạch khô. Hiện, gia đình đã tiến hành phơi, sấy khô, chỉ chờ tư thương đến xem, nhập hàng, ước tính thu được khoảng 80 triệu đồng.
Kiểm tra vùng trồng thạch đen ở huyện Tràng Định (lạng Sơn) |
“Toàn tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng thạch đen lên khoảng 10 nghìn ha/năm, sản lượng 60.000 tấn và tiềm năng của tỉnh có khả năng mở rộng diện tích lên khoảng 30 nghìn ha/năm” (trích Báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lạng Sơn).