Tết xưa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không phải hoa nhập ngoại mà chính là những loại hoa quen thuộc của những mùa Tết cũ mới thực sự lên ngôi trong mùa Tết này. Bộ ba lay ơn, thược dược, violet bày bán khắp nơi vì hút khách.

Ngay cả những loại hoa tưởng đi vào lãng quên như hoa mào gà bây giờ cũng được bán, khách hào hứng mua về trang trí nhà cửa. Thậm chí loại hoa này còn được săn lùng, vì theo quan niệm dân gian hoa mào gà biểu trưng cho tiền tài, may mắn.

Chơi tết thời bao cấp

Họa sĩ Từ Ninh bất ngờ mở triển lãm cá nhân trong những ngày không khí Tết đã ngập tràn. Anh bất ngờ vì được tặng một bó hoa mào gà liền mang cắm vào lọ trưng ngay ở không gian triển lãm. Vài ngày sau, anh đi khắp các chợ tìm hoa mào gà để chơi tiếp nhưng đâu có bán mà mua? Thứ hoa của những mùa Tết cũ, của những năm tháng cũ, bây giờ bất ngờ được “sủng”, được săn lùng.

Tết xưa trở lại ảnh 1

Hoa mào gà trở lại

Năm nay, dù đào rừng về phố nườm nượp nhưng người chơi lại tìm những cành đào con. Hà Nội đất chật, người đông, cây đào hay cành đào to không thích hợp để bày trong không gian nhỏ. Đó là một lý do khiến những gì cồng kềnh phải chào thua sự giản dị, nhỏ nhắn. Nhưng vẫn có những người đủ điều kiện về tài chính và không gian để “tậu” hẳn cành đào to vẫn lại tìm đào nhỏ.

Chị Hương Thủy (Hà Nội) nói: “Tôi thích cắm những vụn đào, vì tôi là fan của Đoàn Chuẩn. Tết nào tôi cũng mở nhạc Đoàn Chuẩn: Nhành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân về…”. Phụ nữ mơ mộng như Hương Thủy xem ra khá đông, dù không phải ai cũng là fan Đoàn Chuẩn. Hoài cổ đang là một xu hướng, cứ có cơ hội lại dâng lên. Thèm Tết xưa giữa dòng đời nhanh vội hôm nay cũng như thèm sự sống chậm.

Tết xưa trở lại ảnh 2

Mỹ Tâm làm bánh tét trong mùa Tết cũ

Nhưng những người thích chơi hoa xuân theo phong cách hoài cổ sẽ buồn ít nhiều vì thị trường hoa có những tín hiệu kém vui. Những ngày này người Hà Nội muốn tìm đào nên ra chợ hoa Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Còn ở những chợ không chuyên bán hoa ít thậm chí vắng hoa đào. Một người bán hoa ở chợ Kẻ Vẽ (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giải thích: “Bão số 3 Yagi làm hỏng hết hoa đào.

Bãi đá sông Hồng mọi năm đầy đào, quất, hoạ mi năm nay buồn hẳn. Tết này đào, quất chắc sẽ đắt. Chẳng có đào để bán. Cành đào bé tí thân bằng ngón tay đeo nhẫn cũng tận 50, 60 ngàn đồng. Đắt ghê đắt gớm. Cho nên tôi không dám gom đào để bán. Mọi năm, một cây đào tầm 1,5 triệu đồng năm nay phải tầm 3 triệu đồng. Người thân của tôi vừa mua cây đào 2,5 triệu đồng, tiền to mà cây nhỏ. Muốn cây to hơn phải tầm trên 3 triệu đồng”.

Chị lại nói đến loại hoa được nhiều người thành phố mê mệt, cúc hoạ mi: “Cúc hoạ mi đơn đến thời điểm này hiếm. Chủ yếu là cúc hoạ mi kép. Mà ngay cả cúc hoạ mi kép bây giờ cũng không có nhiều, chứ không phải trắng trời như những năm trước”.

Một người bán hoa khác cũng xác nhận: Đào năm nay khan hiếm, vì ảnh hưởng của siêu bão Yagi. Nhưng đây lại là cơ hội cho những người bán hoa nhỏ, lẻ. Người phụ nữ bán hoa này vừa nhập về vài chục cành đào bé xíu, cao chừng 30 cm, bán với giá 40 ngàn đồng, khách mua nườm nượp. Đến 9 giờ sáng (ngày 11/1) chỉ còn 1 cành chơ vơ 3 bông hoa, 1 chiếc nụ nhưng chị bảo: “Không mua nhanh, chút nữa cũng hết”. Những bó đào con gom từ những nhánh đào chỉ có thể cắm trong những chiếc bình bé xíu được bán với giá 30 ngàn đồng, cấm mặc cả, nhanh chóng cháy hàng.

Tết xưa trở lại ảnh 3

Đào tươi đắt hàng nên người bán hoa bán kèm đào nhân tạo

Người bán hoa tươi lúc này kèm thêm bán đào nhân tạo, chị giới thiệu: “Cành đào là thật, chỉ có hoa là giả thôi. Mua về mà dùng, bền lắm”. Dù chị chào mời nhiệt tình nhưng đào giả không thể hút khách như đào thật.

Những năm gần đây, nhiều loài hoa mới được lăng xê dịp Tết. Thí dụ, có một loại hoa có màu đỏ trầm được những người bán hàng giới thiệu: Hoa hạnh phúc. Cái tên quá hấp dẫn, vì ai chẳng cầu hạnh phúc, bình an trong năm mới. Thế mà “hạnh phúc” vẫn bị ế, một phần do giá không rẻ, khoảng 130 ngàn đồng/bó. Mặt khác, xu hướng Tết xưa trở lại mạnh mẽ, những loại hoa mới không có cửa cạnh tranh.

Bánh kẹo cũng quay về xưa cũ, thay vì mua bánh kẹo nhập khẩu nhiều người chọn bánh kẹo gợi không khí của những năm bao cấp, như kẹo lạc, kẹo vừng và rất nhiều loại mứt làm từ củ quả quê hương. Tất nhiên, những bánh kẹo cũ bây giờ đã được làm đẹp hơn, hấp dẫn hơn về hình thức và giảm ngọt khi bệnh béo phì, tiểu đường gia tăng.

Ngoài những cửa hàng bán bánh kẹo truyền thống thì không ít các bà, các mẹ, các chị đã gia nhập thị trường bánh kẹo tết. Mạng xã hội phát triển là cơ hội để phụ nữ trổ tài đảm đang, ngoài phục vụ gia đình, còn khoe Facebook, nhận nhiều lời khen thì mạnh dạn bán hàng, hình thành những bếp bà Thuỷ, bếp bà Nga, bếp bà nội, bếp bà ngoại… Bếp nào cũng đảm bảo sản phẩm ngon và sạch khiến khách hàng hoa mắt, bối rối.

Cả không gian bừng sắc đỏ

Màu đỏ là màu chủ đạo của Tết Nguyên đán. Tái hiện Tết xưa thì không thể không trang trí cho ngôi nhà ngập tràn sắc đỏ. Họa tiết chăn con công được yêu thích từ thời ơ kìa, rồi bị lãng quên, bị chê nhà quê, vài năm trở lại đây bỗng thịnh hành và năm nay vẫn “cháy”. Người ta mua những tấm vải họa tiết rực rỡ ấy để làm khăn trải bàn, làm vỏ cho những chiếc gối trang trí trên sofa, thậm chí tạo thành dòng thời trang chăn con công.

Tại một gian hàng bán đồ trang trí tết, chị Phương Bình, 50 tuổi, đang chọn khăn trải bàn đã chia sẻ cảm xúc: “Ngày xưa, có tấm chăn con công quý lắm. Cảm giác như nhà mình giàu sang, thịnh vượng. Năm nay, tôi mua khăn trải bàn con công rồi cắm hoa đào, hoa thược dược xen violet để sống lại những mùa Tết bao cấp. Cảm ơn các bạn trẻ đã kéo chăn con công trở lại”.

Tết xưa trở lại ảnh 4

Không gian Tết xưa được họa sĩ Từ Ninh và ê-kip tái hiện tại Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội

Thời trang chăn con công được tỷ phú Jensen Huang, CEO hãng chip Nvidia (Mỹ) lăng xê. Khi đến Bắc Kinh, Trung Quốc để dự tiệc mừng năm mới với nhân viên vào ngày 21/1/2024, Jensen Huang đã diện chiếc áo không tay họa tiết chăn con công. Ở Việt Nam họa tiết này đã nóng lên trước cơn sốt do Jensen Huang tạo ra. Tết đến Xuân về, nhiều cửa hàng thời trang bày bán áo dài họa tiết chăn con công với nhiều chất liệu khác nhau.

Phái nam cũng có thể đua chen thời trang chăn con công bằng những chiếc áo không tay như tỷ phú Jensen Huang. Nếu muốn ra ngoài đường thành tâm điểm chú ý thì bạn nam có thể chọn chiếc áo khoác dáng dài với hoạ tiết rực rỡ này. Tết 2025 dự báo Việt phục lên ngôi trong giới trẻ.

Cơn sốt Anh trai vượt ngàn chông gai không chỉ mang đến tương lai rộng mở cho ngành công nghiệp giải trí ở ta, mà còn góp phần khích lệ tình yêu, niềm tự hào bản sắc văn hoá dân tộc trong giới trẻ.

Rất nhiều bạn trẻ đã mặc trang phục truyền thống để đu đêm nhạc Anh trai vượt ngàn chông gai. Việt phục lên ngôi ngày Tết, kéo theo những phụ kiện mang đậm chất Việt cũng nóng lên. Những đôi guốc, đôi giày hoạ tiết hoa lá mùa xuân được làm thủ công (handmade) đang lấy lòng các mẹ, các chị và các em tuổi đời phơi phới.

Tết xưa trở lại ảnh 5

Họa tiết chăn con công vẫn “cháy”

Thời điểm này, những sản phẩm mang bản sắc văn hoá Việt đang chạy đua phục vụ Tết. Thí dụ, Craft Link, doanh nghiệp xã hội chuyên hỗ trợ các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật, các nhóm làng nghề, tung bộ sưu tập sơn mài thủ công (những chiếc đĩa, bát, khay đựng bánh kẹo…) dành cho bàn ăn và phòng khách, lấy cảm hứng từ họa tiết hoa đào, hoa sen…

Những sản phẩm bằng chất liệu mây, tre, gốm cũng đang được chào đón trong trào lưu mang Tết xưa trở lại. Những chiếc ti vi đen trắng, vỏ đỏ từ thời “ông bà anh” cũng sống dậy. Người ta mua nó dùng vào mục đích trang trí, không phải để xem.

Có trường học tại Hà Nội còn nhờ hẳn hoạ sĩ tái hiện không gian Tết xưa ngay trên sân trường. Họa sĩ hào hứng vào cuộc, không đắn đo về thù lao. Bởi chính họ cũng mong muốn được góp sức mình giữ gìn hồn Việt trong nhịp sống hôm nay.

Đường về nhà là vào tim ta

Có những người trẻ dành cả thanh xuân cho việc khám phá những miền đất lạ vẫn chọn về nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Tháng 12 năm 2020, Đen Vâu tung MV Đi về nhà. Mấy mùa Tết đã qua, Đi về nhà vẫn được yêu thích: “Đôi lúc bỗng thấy đồng cảm với Mai An Tiêm/Bước chân ra là sóng gió, chỉ có nhà mãi an yên/Ngoài kia phức tạp như rễ má và dây mơ/Về nhà để có lúc cho phép mình được ngây thơ”. Người trẻ hôm nay đối diện với nhiều áp lực, thách thức, nên nhiều người trong số họ thèm Tết đoàn viên.

Một số nghệ sĩ cũng tạm ngưng nhận “sô” dịp Tết để dành thời gian cho gia đình, người thân. Khán giả thường xuyên thấy giọng ca Muộn màng là từ lúc đón Tết ở Đà Nẵng. Những bức ảnh ghi lại cảnh Mỹ Tâm cùng người thân gói bánh tét, canh nồi bánh chưng, làm mứt tết… đã góp phần lan tỏa thông điệp Tết đoàn viên, gìn giữ Tết Việt tới khán giả.

Tết xưa trở lại ảnh 6

Mỹ Tâm vẫn giữ tục lì xì cho người già, con trẻ

MỚI - NÓNG