Tết rất Huế

Không đủ chòi, khách chơi phải ngồi ghế nhựa. Ảnh: N.M.Hà.
Không đủ chòi, khách chơi phải ngồi ghế nhựa. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Huế - điểm du lịch không còn xa lạ. Nhưng vào dịp Tết, Huế bộc lộ thêm những nét văn hóa thú vị đáng khám phá. Đặc biệt Tết năm nay, Huế chịu chơi chiêu đãi toàn bộ du khách nội tiền tham quan Đại nội, lăng tẩm... Số tiền không hề nhỏ nếu bạn đi hết các điểm tham quan này trong ba ngày Tết. Trong khi các nơi thường tìm cách phụ thu nhân dịp Tết.

Tại Đại nội, du khách còn được chiêu đãi thêm các món “cỗ Tết” như múa lân, hòa nhạc Cung đình. Đang tha thẩn ở sân điện Thái Hòa, bỗng một ông quan mặc áo xanh “sấn xổ” đi tới, tiếp theo là một hàng lính mặc màu vàng và đỏ. Đó là lễ đổi gác được tái hiện.

Nơi vắng nhất

Trong mấy ngày Tết, trường Quốc học thành điểm gửi xe cho đường hoa đối diện. Du khách ra vào tấp nập. Trái ngược hẳn với triển lãm Tết Huế cách đó không xa. Khi đến đây vào chiều mùng 3 Tết, chúng tôi là đoàn khách duy nhất.

Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa Huế, ngoài tấm biển đề tên triển lãm, sân bảo tàng sạch trơn không có bất cứ một hoạt động hoặc bày biện gì để có thể gây chú ý với du khách. Mà chủ đề triển lãm chắc chắn không khiến người Huế “động lòng” rồi. Triển lãm gồm ba gian: hình mẫu phòng khách tiêu biểu của người Huế vào dịp Tết, một gian bếp Huế và một gian dành cho các thú chơi, sản vật... thường xuất hiện vào dịp Tết.

Nội dung trưng bày nhìn chung không đủ cả về lượng và chất để níu chân du khách phương xa. Những bức ảnh minh họa chất lượng kém như thể lấy trên mạng xuống. Triển lãm có những mô hình đu nhún và sân chơi bài chòi nhỏ xíu bằng tre, trong khi đu thật và chòi thật có thể tìm thấy ngay ở Huế. Người trực triển lãm rất nhiệt tình tiếp khách song tiếc lại không nắm được nội dung trưng bày đâm ra khách cũng chán, chả muốn hỏi thêm.

Dù sao qua triển lãm khách cũng có thể biết thêm những nét văn hóa riêng chẳng hạn trong bếp của người Huế có bàn thờ, và tượng Táo quân bằng đất sét trên đó được thay mới hàng năm. Phòng khách được trang trí khá đẹp, vào ảnh trông rất lung linh - dùng để “check-in” Facebook đảm bảo nhiều “like”.

Say bài chòi

Vào buổi chiều mấy ngày Tết, trò hô bài chòi diễn ra bên sông Hương trong công viên Thương Bạc thu hút khá nhiều người chơi và xem. Độ tuổi người chơi đa dạng có thể thấy các cặp như thể bố con, bà cháu ngồi cùng chòi. Vài cụ bà U80 vừa phì phèo thuốc lá vừa chơi. Cụ bà áo đen định rời cuộc chơi, vì tiêu sắp hết 500.000 đồng (tương đương 10 ván) mà chưa thắng ván nào. Tôi đùa cụ về thay áo xem sao, thế là bị bắt vào chơi luôn (can tội mặc áo đỏ). Hai bà cháu chia nhau thì mỗi người chỉ mất 25 nghìn/ván.

Trò chơi tưởng không có gì nhưng hóa ra khá căng thẳng. Mọi người tập trung vào quân bài mình bốc được, cố nghe câu cuối của lời hát của ông/bà hiệu có trùng với tên một trong các con bài mình đang cầm không. Chòi nào có 3 con được xướng tên coi như thắng ván đấy. Chưa hiểu hết luật chơi lắm nhưng tôi nhanh chóng bị trò chơi thu hút. Tất nhiên những lời hát dí dỏm đóng vai trò quan trọng làm nên sự thu hút đó. Chẳng hạn anh hiệu hát: “Con cu nó ăn đậu ăn mè/Ăn chi của chị mà chị đè con cu”. Chị hiệu: “Nuôi cu anh phải nhốt cu/ Tại răng anh để nó mổ tù lu cái đám mè...”. Đối đáp một hồi, câu kết là: “Nó mà gẫy cánh chị đền tôi sáu tiền”. Tức là ai có con “sáu tiền” thì ăn.

Ca Huế “khuyến mại” nhạc sàn

Tại chân cầu Tràng Tiền, hỏi ất ơ một anh chủ thuyền, được cái giá 150.000 đồng một tiếng nghe ca Huế trên sông. Về hỏi khách sạn chỉ 100.000 đồng. Đến giờ, sẽ có người tới rước mình ra bến. Lên thuyền còn phải đợi chừng nửa tiếng cho đủ khách. Hát có 4 cô và ban nhạc tranh bầu sáo. Nhạc mục không chỉ dân ca mà có cả Mưa trên phố Huế, Huế thương...

Điều bất ngờ là không hề có tăng âm. Nếu ca sĩ giọng vang khỏe hát trong đêm thanh vắng chắc là cũng hay. Nhưng lại đang dịp Tết, thuyền thì đỗ gần bờ. Tiếng xe cộ đi lại và đặc biệt tiếng đập bùm bùm của quán bar lộ thiên chơi nhạc sàn bên bờ sông nghe rõ mồn một. Chưa kể với một số khán giả, đi nghe ca Huế chỉ là cái cớ để chuyện vãn.

Tuy nhiên các ca sĩ chẳng hề nao núng, vẫn hát với vẻ bình thản, mềm mỏng “rất Huế”. Tôi cố lắng nghe mà không rõ người dẫn nói gì, vì cô vẫn giữ kiểu nói như đang thủ thỉ với người yêu. Ca sĩ áo hồng giọng khá nhất lại đang bị ho, lên cao run bần bật. Các cô còn lại mặt xinh, dáng chuẩn, gõ chén và hát đệm không chê vào đâu được.

Ca sĩ diễn trước một cái bàn chất đầy những bông hồng (giả) lồng trong giấy bóng. Mỗi bông nhà tàu bán 10 nghìn. Khán giả sẽ bỏ vào giấy bóng một tờ 20, 50 hoặc 100 nghìn tùy tâm và mang tặng ca sĩ. Áo hồng được tặng một lúc mấy bông.

Nhưng hình như cũng chỉ có hai nữ khán giả tuổi sồn sồn là tích cực đua nhau lên tặng bông. Một người tặng xong thì nán lại tự giới thiệu là Việt kiều rồi vừa ôm eo ca sĩ (vẫn đang hát) vừa lớn tiếng thuc giục khán giả khác lên cổ vũ ca sĩ. Nữ khán giả kia thì chỉ tặng bông, không nói một lời. Vì là người nước ngoài. Giữa màn ca Huế có nghỉ giải lao cho du khách thả đèn với nguyện ước tốt đẹp cho năm mới.

Vô địch về khéo

Chúng tôi đặt qua mạng được một khách sạn rẻ bất ngờ: 200 nghìn đồng/ngày bao ăn sáng. Thêm một yếu tố khiến khách sạn cuối đường Lê Lợi này được chọn là điểm số cao vượt bậc (do nhận được nhiều lời khen ngợi của khách) trên các trang đặt phòng quốc tế.

Đồ ăn sáng theo quy định chỉ được gọi một món chính, đĩa hoa quả và một đồ uống. Chúng tôi băn khoăn chưa biết chọn món gì thì nhân viên dọn cả hai. Thấy chúng tôi có vẻ thích, hôm sau tự động khuyến mại thêm món đó. Nói chung phòng vẫn còn cái để chê nhưng nhân viên khách sạn này khó mà chê vào đâu được. Nhiệt tình chỉ dẫn tư vấn mọi thứ, cho du khách có cảm giác như đang ở nhà.

Vừa tạt vào một hàng chuyên bán đặc sản Huế, chưa kịp hỏi mua, đã được bà bán hàng đón tiếp như thể người quen đến chúc Tết. Bà mang bia, nước ngọt ra mời bằng được rồi hàn huyên đủ thứ chuyện. Chúng tôi chờ mãi mới chen được vào một câu nhắc bà bán hàng. Nói chuyện có vẻ hợp thế nào đó mà bà tình nguyện giảm giá mấy chục nghìn . Tất nhiên chẳng thấm vào đâu so với người có mấy căn nhà cho thuê, các con đều sinh sống ở Mỹ. Cuộc mua bán dùng dằng mãi mới kết thúc bằng màn chụp ảnh lưu niệm đăng Facebook. Sau đó bà đóng cửa hàng luôn vì đêm đã khuya. Người Huế vốn nổi tiếng khéo léo, nói chi người bán hàng. Nhưng chắc một điều, Tết là dịp để lòng hiếu khách được bày tỏ một cách tự nhiên nhất.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.