Tết: Áp thấp nhiệt đới bất thường có thể gây mưa

Tết: Áp thấp nhiệt đới bất thường có thể gây mưa
Sáng sớm 25/1, áp thấp nhiệt đới đã vượt qua Philippines vào biển Đông.  Đây là áp thấp nhiệt đới trái mùa đầu tiên trong năm 2006 và là một điều hết sức bất thường.
Tết: Áp thấp nhiệt đới bất thường có thể gây mưa ảnh 1
Dự báo hướng di chuyển của Áp thấp nhiệt đới

Thạc sỹ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ chiều 25/1 nhận định.

Trên ảnh mây vệ tinh lúc 16h cho thấy Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có xu hướng mạnh lên và như vậy có khả năng từ ngày mai (26/1) sẽ ảnh hưởng đến thời tiết nước ta, nhất là đối với miền Trung.

Do ATNĐ còn diễn biến khá phức tạp nên trước khi đi về miền Trung ăn Tết, quý vị cần theo dõi tiếp các bản tin sau.

Vào lúc 13h ngày 25/1, ATNĐ có tâm ở trong khoảng 10.7 đến 11.7 độ vĩ bắc; 116.0 đến 117.0 độ kinh đông, phía đông quần đảo Trường Sa. Cường độ ATNĐ chưa mạnh lắm, gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/h), giật trên cấp 6.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ sẽ di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam với tốc độ trung bình khoảng 15 - 20 km/h.  ATNĐ xuất hiện trong lúc có không khí lạnh tăng cường là dạng hình thế thời tiết gây nên gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7 ở vùng gần quần đảo Trường Sa và ngoài khơi Trung Bộ, biển động mạnh.

Ngoài ra còn gây mưa nhỏ đến mưa vừa cho các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận.

Trong 4 ngày vừa qua có 1 đợt không khí lạnh tăng cường mạnh, nên miền Bắc trời rét đậm, nhiệt độ Hà Nội giảm 3-4 độ mỗi ngày và thấp nhất là 13 độ C. 

Sáng 25/1, phía tây Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung nhiệt độ đã bắt đầu tăng chậm trở lại, nhưng miền Bắc vẫn còn rét đậm. Nam Bộ nhiệt độ giảm từ 1-3 độ so với ngày hôm trước, đặc biệt là ở ĐBSCL một số nơi như Mỹ Tho,Vĩnh Long nhiệt độ xuống dưới 20 độ C.

Tết: Áp thấp nhiệt đới bất thường có thể gây mưa ảnh 2
Mây vệ tinh áp thấp nhiệt đới lúc 16 giờ ngày 25/1

Hiện nay, cả nước ta nằm sâu trong lưỡi áp cao lạnh có cường độ còn mạnh và ổn định. Đêm nay và ngày mai miền Bắc trời sẽ đỡ rét hơn, nhiệt độ tăng mỗi ngày khoảng 1-2 độ.

Miền Trung tiếp tục có mưa và gió mạnh nên trời vẫn còn lạnh. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng phía nam lưỡi áp cao lạnh với hoạt động mạnh của gió mùa đông bắc, trong khi đó ATNĐ còn cách vùng ven biển phía nam khá xa trên 600km nên chưa ảnh hưởng đến thời tiết Nam Bộ.

Trời vẫn không mưa hoặc chỉ có mưa nhỏ không đáng kể ở vùng ven biển. Đêm và sáng sớm trời hơi se lạnh và có sương mù nhẹ.

Ở ĐBSCL, nhiệt độ còn giảm thêm khoảng 1 độ nữa, nhiệt độ thấp nhất ở Phước Long, Xuân Lộc và một số nơi ở miền Tây khoảng 18-20 độ C. Dự báo trong tuần tới, từ thứ năm đến thứ bảy (27 đến 29 Tết), không khí lạnh sẽ suy yếu dần nên miền Bắc và miền Trung trời sẽ bớt rét hơn. Nhưng sau đó từ mồng 3 đến mồng 4 Tết sẽ có 1 đợt không  khí lạnh khác có cường độ mạnh tăng cường xuống, nên trời sẽ rét trở lại. Đợt rét này sẽ mạnh hơn đợt vừa rồi và kéo dài nhiều ngày hơn.

Nam Bộ vẫn chịu ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc có cường độ mạnh trong 2-3 ngày tới, sau đó gió mùa sẽ giảm dần, trời nắng, đêm và sáng sớm trời se lạnh, nhiệt độ thấp nhất sẽ giảm nhẹ1-2 độ, tại Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh  và TP.HCM khoảng 19-21 độ C, miền Tây khoảng 20-22 độ C. Tuy nhiên, trong những ngày Tết nhiệt độ sẽ tăng lên trở lại 1-2 độ C, nhưng vẫn còn cảm giác trời se lạnh vào đêm và sáng sớm.

Trong những ngày gần Tết do các nhiễu động thời tiết nhỏ nên có khả năng sẽ có mưa tại một vài nơi ở TP.HCM và ven biển miền Tây như Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, nhưng mưa có tính cục bộ tại địa phương, không mưa trên diện rộng. Từ mồng 5 - mồng 6 Tết, Nam Bộ sẽ hơi se lạnh trở lại do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Năm nay hiện tượng sương mù trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày là điều khá bất thường. Từ Tết trở đi, hiện tượng này sẽ giảm dần. Từ nay cho đến Tết sẽ có nắng nhiều hơn, lượng nước bốc hơi sẽ tăng và độ ẩm giảm dần nhưng vẫn còn cao hơn bình thường.

Đợt triều cường trong những ngày cuối năm và từ mồng 1 đến mồng 3 Tết mực nước các sông đạt mức đỉnh triều và khá cao vì gió đông bắc thổi còn khá mạnh gây sạt lở cho một số vùng ven sông, ven biển nhất là ở ĐBSCL và TP.HCM.

MỚI - NÓNG