Trên đây là tuyên bố của nhà khoa học chính trị, phó giáo sư tổ bộ môn quan hệ quốc tế FEFU Artyom Lukin trên hãng Sputnik.
“Rõ ràng là Triều Tiên đang tiến tới việc chế tạo ra tên lửa hạt nhân tiềm năng… Và sớm hay muộn, nếu Bình Nhưỡng không dừng lại, họ sẽ tạo ra đầu đạn hạt nhân sẽ có khả năng bay xa tới lãnh thổ Mỹ, quốc gia mà Triều Tiên coi kẻ thù chính. Tôi không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể chế tạo tên lửa có thể đạt tới Alaska hay Hawaii”, chuyên gia Lukin cho biết.
“Nếu tin vào dữ liệu của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên đã đạt được đỉnh cao tuyệt vời và tầm xa lớn hơn nữa. Điều này có nghĩa rằng nếu phóng tên lửa trên một quỹ đạo khác, nó có thể đạt tới Mỹ”, ông Lukin nói.
Vào hôm qua, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA thông báo, Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, dưới sự giám sát trực tiếp của Chủ tịch Kim Jong-un.
Hãng này tuyên bố, vụ thử nghiệm là một “cảnh báo nghiêm khắc” đối với Mỹ rằng, Washington sẽ không được an toàn nếu tiếp tục gây hấn với Triều Tiên.
“Cuộc thử nghiệm đã xác nhận lại độ chính xác của hệ thống tên lửa, chứng tỏ khả năng khởi động bất ngờ của tên lửa ở bất cứ khu vực nào và bất cứ lúc nào. Nó cũng là minh chứng rõ ràng cho việc toàn bộ lục địa Mỹ đang ở trong phạm vi bắn của tên lửa đạn đạo”, KCNA đưa tin.
Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng xác nhận, tên lửa Triều Tiên phóng vào đêm ngày 28/7 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết tên lửa đạn đạo phóng từ bãi phóng Mupyong-ri thuộc tỉnh Jagang, vào lúc khoảng 23h41 phút ngày 28/7.
Tên lửa bay hơn 1.000 km trong khoảng thời gian 40 phút trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khoảng 160 km ngoài khơi Hokkaido.
Theo ông David, tên lửa được cho là có góc bắn lớn hơn bình thường và bay cao vượt qua tầng khí quyển.