Các cường quốc đồng loạt phản đối Triều Tiên phóng ICBM lần 2

Ảnh: KCNA
Ảnh: KCNA
TPO - Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần 2 vào đêm 28/7, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đồng loạt lên tiếng phản đối và cho rằng hành động của Bình Nhưỡng là cực kỳ nguy hiểm.

Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Triều Tiên cho rằng hành động thử tên lửa của Triều Tiên đã đi ngược lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nguyện ước chung của cộng đồng quốc tế.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Trung Quốc hy vọng tất cả các bên cần hành động thận trọng, ngăn ngừa căng thẳng tiếp tục leo thang, cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng đã lên án việc thử tên lửa ICBM lần thứ hai của Triều Tiên, mà theo một số chuyên gia đánh giá, có thể vươn tới các thành phố lớn ở Mỹ.

Ông Trump nói rằng, Washington sẽ có "tất cả các bước cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ cũng như đồng minh ở châu Á".

Vào sáng nay 29/7, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo vào lúc 23h41 đêm 28/7 (giờ địa phương), từ tỉnh Jangang ở phía bắc Triều Tiên. Tên lửa đã rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay lập tức triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng cho biết cuộc họp Hội đồng Bảo an sẽ được triệu tập trong những giờ tới. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, tên lửa của Triều Tiên bay khoảng 45 phút trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết, cảnh sát biển đã ban hành các cảnh báo an toàn cho máy bay và tàu.

 Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, tên lửa do Triều Tiên phóng đêm 28/7 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis, tên lửa này không gây ra mối đe dọa cho Bắc Mỹ.

 Tuy nhiên, hành động mới nhất của Bình Nhưỡng đặt ra cho chính quyền ông Trump và các nước láng giềng của Triều Tiên câu hỏi: Làm sao để ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân?

Trước đó, ngày 26/7, một ngày trước khi kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Triều Tiên đe dọa sẽ khởi động một cuộc thử tên lửa nhằm chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ.

 Bà Suzanne DiMaggio, Giám đốc và là thành viên cao cấp của New America Foundation, trụ sở tại Washington, người đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên trong quá khứ và tại Na Uy hồi tháng 5 vừa qua cho biết: "Chúng ta đang ở vào thời điểm mà mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa đều cho thấy sự tiến bộ về năng lực hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên".

 Ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Quốc gia về Quyền lợi của Mỹ, kêu gọi cần có thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Ông nói: "Chính quyền ông Trump cũng phải tăng cường nỗ lực không gian mạng của mình để làm chậm lại khả năng của Triều Tiên nhằm đạt được tiến bộ trong các chương trình hạt nhân và tên lửa. Chúng ta cũng phải tăng cường nỗ lực phòng thủ tên lửa ở châu Á và cho nước Mỹ".

 Kelsey Davenport, Giám đốc về chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không thay đổi các hoạt động của Triều Tiên.

Bà cho biết, nếu các nhà hoạch định chính sách ở Washington cứ tiếp tục đòi Triều Tiên phải đạt được những điều kiện phi hạt nhân thì mới bắt đầu đàm phán thì việc Triều Tiên vẫn tiếp tục triển khai ICBM là không thể tránh khỏi.

 Theo Sharon Squassoni, người đứng đầu chương trình phòng chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington sẽ không biết gì về ý định của Bình Nhưỡng trừ phi Triều Tiên đồng ý tham gia vào cơ chế này một cách nghiêm túc và lâu dài.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG