'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2017, Hà Nội đã thực hiện thí điểm lắp đặt nhiều cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường với nút bấm chủ động. Tuy nhiên, đến nay, những cụm đèn tín hiệu đó vẫn chưa thể phát huy được công dụng. Ở nhiều điểm, đèn tín hiệu như vô hình, có cũng như không. 

Đèn tín hiệu vô hình

Tại nơi có mật độ xe cộ đông đúc như Hà Nội, việc đi bộ sang đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm song vẫn còn hạn chế về số lượng vạch kẻ đường cũng như đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ qua đường.

'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường ảnh 1
Mỗi khi có người ấn nút một lúc sau đèn sẽ chuyển đỏ báo hiệu cho các phương tiện đang lưu thông trên cùng tuyến đường biết để nhường đường.

Để khắc phục vấn đề này, năm 2017 thành phố đã cho thí điểm lắp đặt các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường, được thực hiện ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố như trên đường Xuân Thủy (đoạn qua trường đại học Sư Phạm), ngã tư Kim Mã (Giang Văn Minh), nút giao Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống (Lê Thái Tổ), trước cửa bưu điện thành phố,...

'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường ảnh 2

Tại cột đèn tín hiệu trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy chỉ có chỉ dẫn bằng tiếng Việt

Cột đèn tín hiệu được lắp ở những nơi có vạch kẻ trắng ưu tiên cho người đi bộ, với nút bấm chủ động để người dân khi muốn qua đường sẽ bấm nút và chờ, đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ, đèn ưu tiên dành riêng cho người đi bộ sẽ chuyển thành màu xanh... Càng nhiều lượt bấm đèn tín hiệu sẽ càng nhanh chuyển màu và đồng thời cũng hiện số thời gian đủ cho người đi bộ qua đường an toàn. Ngoài nút bấm tự động, cột đèn tín hiệu cũng được lắp kèm theo biển chỉ dẫn bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh để người dân thuận tiện hơn khi sử dụng.

Một thí điểm tưởng chừng hữu dụng như vậy nhưng khi được đưa vào áp dụng lại đem đến kết quả không như mong đợi. Trong thực tế, những cụm đèn tín hiệu này "có cũng như không", dường như chẳng mấy ai để ý đến sự tồn tại của chúng.

Dù có đèn tín hiệu và dòng phương tiện đông đúc đang bon bon chạy nhưng hầu như chẳng ai dùng đến đèn tín hiệu để xin sang đường. Những người đi bộ chọn cách băng qua lòng đường.

'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường ảnh 3

Lượng du khách nước ngoài thường xuyên đi qua điểm này rất đông nhưng không ai bấm đèn xin sang đường.

Trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm là nơi thường xuyên có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại song phần chỉ dẫn bằng tiếng Anh được ghi phía trên nút bấm lại rất nhỏ, khó nhìn thấy nếu không quan sát kỹ. Theo ghi nhận trên tuyến phố này, mặc dù đèn tín hiệu vẫn hoạt động bình thường, không hề hỏng hóc nhưng vẫn bị ngó lơ. Người đi bộ qua đường vẫn giữ thói quen cũ khi sang đường giữa dòng xe cộ đông đúc lao vun vút.

'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường ảnh 4

Đèn tín hiệu trên đường Đinh Tiên Hoàng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 dòng hướng dẫn bằng tiếng Anh nhưng chữ lại rất nhỏ, khó nhìn thấy.

Hay tại cụm đèn đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) sau một thời gian trục trặc, đèn đã được sửa lại tuy nhiên cũng không mấy ai để ý. Theo quan sát của phóng viên, đa phần những người qua đường đều không sử dụng nút bấm xin đường. Một số người sau khi đi đến gần giữa lòng đường nhưng thấy nhiều phương tiện đang lao đến với tốc độ cao nên đã quay lại.

'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường ảnh 5

Sang đường kiểu "thói quen"

Bạn Tiến Minh (sinh viên đại học Sư phạm) chia sẻ: "Em chưa sử dụng đèn tín hiệu này xin sang đường bao giờ bởi em nghe mọi người bảo dùng phải đợi lâu và cũng không mấy hiệu quả nên em thường qua đường luôn. "

Văn hóa nhường đường không có, đèn tín hiệu cũng "bó tay"

Ở những nơi có nhiều người qua lại như ở đoạn đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) đoạn có gắn đèn tín hiệu cho người qua đường lại không có vạch kẻ trắng ưu tiên. Ngoài ra, phần phân cách được phá bỏ để thuận tiện cho người đi bộ qua đường nay lại trở thành nơi quay đầu cho các phương tiện lưu thông trên đường.

'Tê liệt' nhiều cụm đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường ảnh 6

Mặc dù điểm quay đầu xe của phương tiện giao thông chỉ cách khoảng 20m nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên chiếm phần đường của người qua đường để quay đầu xe.

Nguyễn Thùy Trang (sinh viên đại học Sư Phạm) cho biết: "Trước đây khi đèn mới lắp cũng có một số người bấm để xin qua đường nhưng bấm rồi mà mãi đèn chưa chuyển nên người ta qua đường luôn không đợi đèn nữa. Với lại bấm đèn có chuyển màu rồi thì phương tiện đang lưu thông trên đường cũng không mấy ai dừng lại nhường đường cho nên bây giờ không ai dùng đến đèn tín hiệu này nữa, mọi người cứ theo thói quen băng qua lòng đường thôi."

Với bà Lập ở quận Cầu Giấy, qua đường vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng mặc dù đã bấm đèn xin đường: "Do đã có tuổi nên mỗi lần qua đường với tôi rất khó khăn, đặc biệt là con đường có nhiều phương tiện qua lại như Xuân Thủy. Có lần tôi bấm đèn xin đường, chờ mãi đèn mới chuyển màu để tôi qua. Nghĩ thế là yên tâm các phương tiện trên đường sẽ nhìn thấy và nhường đường nên tôi cũng qua luôn. Vừa đặt chân xuống bước được hai ba bước thì có chiếc xe máy phóng vụt qua ngay trước mặt tôi. Sợ quá nên tôi đành quay lại đợi có thanh niên đi qua thì tôi nhờ dẫn sang đường."

Như vậy có thể thấy, một phần nguyên nhân khiến đèn tin hiệu dành cho người đi bộ qua đường bị "mất tác dụng" cũng do văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông của nhiều người còn chưa cao, mạnh ai người nấy đi. Điều đó vô tình đẩy những người đi bộ sang đường vào thế khó, đứng đợi dòng xe đang lưu thông nhường đường thì không biết đến bao giờ, mà băng qua lòng đường giữa dòng phương tiện đang chạy lại vô cùng nguy hiểm.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.