Tây Nguyên hạn sớm, nông dân lao đao

Lòng hồ trơ cạn đáy
Lòng hồ trơ cạn đáy
TP - Năm nay Tây Nguyên mưa ít hơn rất nhiều so với mọi năm và mùa mưa kết thúc sớm. Thời tiết nắng, nóng kéo dài, mực nước tại các hồ đập, ao suối xuống thấp, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn. 

Trước Tết, người dân Tây Nguyên đã phải “chạy đua” trong cuộc chiến giành nguồn nước tưới cho cây trồng. Anh Lê Văn Quang (35 tuổi, trú tại thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Ngay từ đợt tưới đầu tiên đã thiếu nước, nên mồng 2 Tết gia đình tôi tranh thủ đưa ống ra tưới sớm nhưng tình hình cũng không khá hơn là bao. Mỗi ngày tôi chỉ tưới được khoảng 1 tiếng đồng hồ thì hết nước. Gia đình tôi có 0,6 ha cà phê mà tưới đến 5 ngày mới xong”.

“Trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2015, khả năng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên địa bàn tỉnh khá nghiêm trọng. Bà con nông dân phải sử dụng nguồn nước hết sức tiết kiệm, hợp lý ngay từ bây giờ, đồng thời có biện pháp, kế hoạch tích trữ nguồn nước để đảm bảo nước tưới cho cây trồng và đời sống nhân dân”. 

Phó giám đốc Nguyễn Đại Ngưỡng

Hiện một số địa phương người dân đã tưới xong nước đợt 2 và tiếp tục cho đợt tưới nước lần 3 nhưng nhiều diện tích cà phê đang trong tình trạng thiếu nước tưới. Hồ ở thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cung cấp nước tưới cho gần trăm ha cây trồng quanh khu vực. Những năm trước, nước hồ vẫn đủ để người dân tưới đến đợt cuối cùng, nhưng năm nay mới tưới xong đợt 2 hồ đã cạn. Các máy bơm phải di chuyển ra giữa hồ để “mót” nước tưới cho các rẫy cà phê cách xa hàng cây số.

Ông Hoàng Đình Hào, một người dân sống gần hồ có hơn 2ha cà phê cho biết, hồ nước này cung cấp nước tưới cho mấy chục hộ dân quanh vùng, rất ít khi thiếu nước, nhưng năm nay chưa tưới xong đợt 3 hồ đã trơ đáy. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, nhiều nông dân đã bỏ ra hàng chục triệu đồng khoan, đào giếng tìm nguồn nước. Tại địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, khi nguồn nước ở các ao hồ đã cạn, người dân phải múc hồ để tìm thêm nguồn nước ngầm trong đất nhưng mạch nước rất yếu. Để có nước tưới, hàng trăm hộ dân chấp nhận ròng ống bơm cách 2 cây số tìm nguồn nước cho vườn cà phê.
Ông Trương Công Lý (52 tuổi, thôn 5, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) than thở: “Cách đây 1 tháng, nguồn nước từ ao hồ đã cạn. Để có nước tưới, người dân phải kéo từ sông Krông Ana nhưng phải dùng đến 2 máy nổ mới đủ sức dẫn nước lên, khiến chi phí xăng dầu tăng gấp 5 lần may giá xăng dầu giảm nên cũng đỡ”.

“Không có nước, một số hộ bỏ ngang nhiều diện tích hoa màu, phó mặc cho trời, trời cho ăn thì được ăn”, ông Lý cho biết thêm.

Thậm chí có những nơi người dân phải xách xô đi gánh nước về sinh hoạt chứ chưa nói đến chuyện tưới. Chị Lý Thị Lâm (28 tuổi, trú tại thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) cho biết: “Nước từ các giếng cạn hết rồi, nhiều nhà phải đi xin nước về dùng. Còn muốn tưới cho cây trồng thì phải mua nước từ các hộ may mắn khi giếng vẫn còn nước với giá từ 70.000-80.000 đồng/giờ. Nhà tôi có 2 sào cà phê nhưng cũng héo dần héo mòn vì không có nước”.

Ông Nguyễn Đại Ngưỡng, Phó giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Do nắng nóng kéo dài mực nước tại các ao hồ, sông suối xuống thấp. Trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2015, khả năng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên địa bàn tỉnh khá nghiêm trọng. Bà con nông dân phải sử dụng nguồn nước hết sức tiết kiệm, hợp lý ngay từ bây giờ, đồng thời có biện pháp, kế hoạch tích trữ nguồn nước để đảm bảo nước tưới cho cây trồng và đời sống nhân dân”.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.