Hồ thuỷ lợi ở xã Cư Né đảm bảo nước tưới cho 70 ha cà phê nay trơ đáy. |
Còng lưng chống hạn
Nước tưới cho cây cà phê, hồ tiêu thiếu trầm trọng, nhiều người dân chầu chực cả ngày lẫn đêm để lấy nước tưới. Dưới cái nắng thiêu đốt, bạt ngàn cà phê khô héo dưới cơn đại hạn. Rất nhiều hồ thủy lợi cạn kiệt nước.
Tại huyện Krông Buk - huyện có diện tích cà phê lớn của Đăk Lăk, nắng hạn khiến 4.000 ha cà phê có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước tưới. Thời điểm này, đáng lẽ cà phê đã bước vào lượt tưới thứ 2, 3 nhưng hầu hết diện tích cà phê mới chỉ được tưới đợt 1 vì ao hồ, thủy lợi, suối... đã cạn kiệt nước. Diện tích cà phê bị khô hạn tập trung ở 7 xã: Pơng Đrang, Cư Kpô, Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, Ea Ngai, Tân Lập.
Ông Ay Héc, người có gần 1,5 ha cà phê sát bên hồ thủy lợi Ea Ru, ngao ngán: “Năm nay trời làm đại hạn khốc liệt quá, chắc lại mất mùa nữa rồi. Rẫy cà phê của mình ở sát hồ thủy lợi, giờ cũng khô héo vì hồ cạn nước rồi”.
Nhiều hộ phải thuê người đào, khoan giếng giữa lô sâu đến 30 mét, thậm chí 50-60 mét; hoặc đào giếng ở lòng suối, hồ thủy lợi đã cạn nước mong tìm ra nguồn nước nhưng nước vẫn không đủ tưới. Bất chấp giá xăng dầu tăng vọt, nhiều hộ dùng tới 4– 5 máy bơm để “câu nước” từ cách xa hàng km về rẫy cà phê.
Trên rẫy cà phê rộng 3ha, vợ chồng ông Lê Văn Hoàn (thôn 5, xã Cư D’Liê M’Nông, huyện Cư M’ga) đang “đánh vật” cứu cà phê. “Mấy năm trước dù hạn thì giếng vẫn đủ nước tưới. Năm nay đã đào thêm một giếng sâu 30m, khoan thêm 3 mũi 100m vào lòng đồi nhưng vẫn không đủ nước tưới. Cố gắng lắm mỗi ngày chỉ tưới được 5 tiếng”, ông nói.
Phòng NN&PTNT huyện Krông Búk cho biết: Huyện có 37 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, công năng tưới theo thiết kế chỉ đáp ứng được 20-30% trong tổng số hơn 21.000 ha cà phê của huyện. Số còn lại phụ thuộc vào nguồn nước ngầm và nước suối, nhưng đến nay nhiều hồ thủy lợi đã trơ đáy; suối cạn nước.
Ở xã Cư Pơng có 11 công trình hồ, đập thủy lợi phục vụ tưới cà phê thì có 8 công trình đã cạn nước, số còn lại cũng chỉ phục vụ tưới cầm chừng.
Huyện Krông Buk đã chỉ đạo các hợp tác xã dùng nước hướng dẫn người dân nạo vét giếng, hồ đập. Đồng thời lên kế hoạch trích ngân sách địa phương hỗ trợ đồng bào mua xăng dầu phục vụ chống hạn cho cây cà phê.
Người dân đào giếng để lấy nước cứu cà phê ở huyện Cư M’gar, Đăk Lăk. |
Hạn nuốt ngàn tỷ đồng
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai Đăk Lăk, tỉnh có hơn 10 nghìn ha cà phê thiếu nước tưới. Trong đó, 3.164 ha có nguy cơ thất thu, tập trung nhiều nhất là huyện vùng trọng điểm cà phê như: Krông Búk, Ea H’Leo, Cư M’Gar, Krông Ana... Hơn 2.000 ha lúa nước, ngô và đậu đỗ các loại khô héo, trong đó diện tích mất trắng khoảng 400 ha.
Tại Gia Lai, tính đến cuối tháng 3 đã có hơn 17.400 ha chịu ảnh hưởng hạn hán, trong đó 11.577ha cà phê thiếu nước tưới đợt 2 và 3; 5.700ha lúa chịu ảnh hưởng thì mất trắng hơn 4.000ha; 127ha rau màu.
Tại Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng, hàng chục ngàn ha lúa, rau màu và cây công nghiệp cũng đang chịu chung số phận. Chỉ tính riêng ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk, ước tính thiệt hại do hạn hán lên đến 631 tỷ đồng. Con số này chưa dừng lại khi cao điểm của mùa khô mới thực sự bắt đầu.
Ông Phạm Vũ Tuấn, Trưởng phòng Dự báo - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết: So với cùng kỳ năm ngoái, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên rất thấp, chỉ có mưa cục bộ nhưng không đáng kể. Mực nước sông, suối đang ở mức thấp và các ao, hồ đều cạn kiệt. Hạn hán diễn ra trầm trọng nhất ở khu vực Bắc Tây Nguyên: các đập, công trình thủy lợi đều ở mực nước chết. Dự báo trong thời gian tới, thời tiết khô hạn sẽ diễn ra khốc liệt trên diện rộng.
Người dân hai thành phố Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đang phải chịu lịch cúp nước luân phiên và có khả năng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Thủng tầng nước ngầm Tây Nguyên Ông Dương Đình Hoành, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TNMT Đăk Lăk) cho biết: Lượng nước mặt và nước ngầm đang suy giảm mạnh, nhiều suối cạn kiệt và mất dòng chảy vào mùa khô. Đặc biệt là tầng nước ngầm giảm sút nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân do phá rừng, tình trạng đào, khoan giếng tưới nước cho cây công nghiệp quá mức cũng làm mất cân bằng nước ngầm, dẫn đến hao hụt, gây nhiễm bẩn nước dưới đất. Vào mùa khô, để có đủ nước tưới cho cà phê, hồ tiêu, nhiều nông dân khoan ngang hàng trăm mét ở đáy giếng để gom tụ nước. Nghiêm trọng hơn là việc thuê máy khoan địa chất (đường kính ống khoảng 15cm) khoan từ 70 đến 120 m, rồi đặt máy dùng điện 3 pha hút nước tưới cho cây. Điều này gây hậu quả khôn lường. Có nhiều lỗ khoan xuyên qua nhiều tầng không được trám cách li, nước ngầm sẽ chảy xuống tầng sâu (trung bình từ 3-5m). Về lâu dài sẽ làm cạn kiệt tầng nước ngầm ở tầng trên. Đây là nguyên nhân chính gây hao hụt tầng nước ngầm nhiều nhất. Thực tế cho thấy, tầng nước ngầm ở Tây Nguyên thủng nhiều nơi và đáng báo động tình trạng thăm dò, khai thác nước ngầm. Theo các chuyên gia nông nghiệp của Viện Khoa học Nông nghiệp Tây Nguyên, vào mùa khô, cây cà phê cần tưới nước từ 3-5 đợt, với khoảng 3.000-3.500 lít nước/cây/năm. Như vậy, vào mùa khô, Tây Nguyên cần một lượng nước khổng lồ khoảng 8.225 tỷ m3 để tưới cho gần nửa triệu ha cà phê. Hơn 15.000 ha hồ tiêu cũng cần được tưới. |
Tây Nguyên sắp có mưa? Cùng với phần lớn lãnh thổ cả nước, trong ba tháng tới, mưa ở khu vực Tây Nguyên có khả năng xấp xỉ, thậm chí, vượt lượng mưa trung bình nhiều năm, theo Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng- Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn&Môi trường. La Nina, hiện tượng dòng hải lưu lạnh ở Thái Bình Dương thường làm gia tăng mưa ở Việt Nam, được dự báo còn có thể hoạt động tiếp ba tháng nữa dù có dấu hiệu suy yếu từ tháng 2-2011. Trong xu thế toàn cầu ấy, Việt Nam được nhận định lượng mưa có khả năng vượt chuẩn từ 0 đến lớn hơn 200mm trên đa phần diện tích cả nước, trong đó có Tây Nguyên. Ngay cả Kontum, một trong những nơi khô hạn nhất Tây Nguyên mấy tháng qua, cũng được dự báo sẽ có mưa, với lượng mưa có thể xấp xỉ trung bình nhiều năm. Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cũng như nhiều vùng khác của cả nước, Tây Nguyên chứng kiến những hiện trượng thời tiết khác biệt nhau hoàn toàn dù trên một diện tích không lớn. Một số khu vực ở Tây Nguyên hầu như không có mưa, điển hỉnh là tỉnh Kontum, nơi suốt bốn tháng qua không hứng được mm mưa nào. |