Hoàn thành 90% nhiệm vụ thành phố giao
Đề cập đến một số kết quả nổi bật trong các tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành theo phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Với kết quả thực hiện các nhiệm vụ thành phố Hà Nội giao, Chủ tịch quận Tây Hồ cho hay, thành phố đã giao quận 50 nhiệm vụ, trong đó: UBND quận đã hoàn thành 45 nhiệm vụ đạt 90%; 5 nhiệm vụ đang thực hiện không có thời hạn, bằng 10%; quận không có nhiệm vụ quá thời gian chưa hoàn thành.
Vốn đầu tư công giải ngân sớm, giúp quận Tây Hồ hoàn thiện hạ tầng đô thị đồng bộ |
Với 22 nhiệm vụ Quận uỷ chỉ đạo, tính đến tháng 7 UBND quận đã hoàn thành 20/22 nhiệm vụ (90%), 2 nhiệm vụ trong đó có xin ý kiến cộng đồng dân cư đối với việc Lập quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian bán đảo Quảng An đang thực hiện.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quận tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn năm 2022”, Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ, giai đoạn 2020-2025”; Phối hợp Sở Công thương tổ chức “Tuần hàng Việt” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn với quy mô 100 gian hàng; đề nghị Thành phố chấp thuận địa điểm xây dựng Trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch quận. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, quận đã chủ động, tích cực làm việc với các Sở, ngành, thành phố về việc đề xuất giao quận Tây Hồ trực tiếp quản lý toàn diện các lĩnh vực trên hồ Tây và vùng phụ cận để tạo điều kiện phát triển hạ tầng, kinh tế, văn hóa, du lịch đồng bộ trên địa bàn.
Trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội; song song với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững thành quả phòng chống dịch.
98,2% thủ tục tại quận người dân giao dịch trực tuyến
Nhà thi đấu quận Tây Hồ và hệ thống đường giao thông hoàn thành đầu năm 2022 kịp thời phục vụ SEA Games 22 |
Trên lĩnh vực giải quyết hành chính công, cùng với ban hành các kế hoạch triển khai, quận Tây Hồ tiếp tục triển khai thông tin, tuyên truyền trên 02 kênh thông tin: Cổng thông tin điện tử của quận và trang Zalo “UBND quận Tây Hồ”... Theo khảo sát, hiện 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các phường đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. 100% hồ sơ tại quận Tây Hồ được giải quyết trước hạn và đúng hạn; không có phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân về giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn quận. Qua thống kế, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (giấy tờ, văn bản người dân giao dịch trực tuyến) tại UBND quận đạt 98,2%; cấp phường mức độ 3 đạt 44,9%; mức độ 4 đạt 0,12%.
“Với các chỉ số trên, trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021 quận Tây Hồ tiếp tục có chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn quận đạt 92,4%, đứng thứ 5/30 quận, huyện, thị xã thành phố”, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ thông tin.
Trong thời gian tới, UBND quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quý III quận xây dựng và triển khai kế hoạch đánh giá, chấm điểm xác định kết quả chỉ số CCHC trong nội bộ cơ quan, đơn vị và UBND các phường.
Đầu tư công “top” đầu thành phố
Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh, Tây Hồ còn có mặt nước Hồ Tây có tiềm năng phát triển du lịch |
Để hoàn thiện hạ tầng đô thị theo quy hoạch, chủ động trong công tác triển khai xây dựng, thực hiện các dự án trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh cho biết, từ đầu năm UBND quận đã triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cho cả giai đoạn 2022 - 2025, riêng năm 2022 quận đang thực hiện triển khai giải ngân tổng số 98 dự án, trong đó có 60 dự án chuyển tiếp, 38 dự án chuẩn bị đầu tư, tổng số vốn đầu tư công theo kế hoạch là 750 tỷ đồng. Với số vốn đầu tư công được giao trong năm 2022, quận đang phấn đấu giải ngân 100% số vốn này. Ngoài ra, sau hai lần UBND quận đề nghị, HĐND đã thông qua Nghị quyết về việc triển khai 121 dự án đầu tư công cho cả dự án thành phố giao nhiệm vụ và dự án do quận thực hiện.
Theo ông Tuấn Anh, trong 6 tháng đầu năm, UBND quận đã ban hành 9 quyết định phê duyệt dự án theo qui định. Đối với các dự án có khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, UBND quận chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, xác định rõ nguyên nhân, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 29 dự án, trong đó có 17 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách quận, 12 dự án nguồn vốn ngoài ngân sách.
Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là phường Thụy Khuê, phường Quảng An để tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trên địa bàn phường sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện, hoàn thành dự án cải tạo đường Xuân Diệu và dự án cải tạo môi trường mương thoát nước Thụy Khuê đoạn từ dốc La Pho - cống Đõ để sớm giải quyết úng ngập.
Thông tin về kết quả triển khai các dự án phát triển hạ tầng, trong đó có nhiều dự án sử dụng ngân sách đầu tư công 6 tháng đầu năm, đại diện Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho biết, tính đến 30/6, trong 60 dự án đầu tư công chuyển tiếp các phòng, ban có nhiệm vụ tại quận đã quyết toán hoàn thành nhiều dự án. Với 8 dự án thực hiện đầu tư theo cấp bách để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid 19, UBND quận đã phê duyệt quyết toán hoàn. Với danh sách 52 dự án chuẩn bị đầu tư, đến 30/6, quận đã phê duyệt dự án: 09 dự án với tổng mức vốn trên 510 tỷ đồng.
“Từ kết quả trên, tính đến hết ngày 30/6/2022, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn quận đạt hơn 247 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch Thành phố giao, với tỷ lệ giải ngân đầu tư công Quận ủy giao bằng 33% kế hoạch”, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Tây Hồ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, năm 2022 ngân sách trung ương và thành phố đã dành cho 30 quận, huyện thị xã hơn 30.200 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm, một số quận huyện đã có kết quả giải ngân tốt, trong đó các quận đứng “top” đầu là Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ…
Đề cập đến thực tiễn giải ngân đầu tư công đứng “top” đầu thành phố, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh trao đổi với PV Tiền Phong: “Công tác chuẩn bị đầu tư hàng năm phải được chuẩn bị từ rất sớm. Khi bắt tay thực hiện dự án quận đã yêu cầu Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư), Phòng Kế hoạch, Tài chính, Trung tâm quỹ đất phối hợp chặt và có các kịch bản lường trước các khó khăn. Với thủ tục thẩm định, thẩm tra - thường có độ trễ và chiếm tới 50% thời gian thực hiện dự án, các phòng ban trên phải nhanh, không để độ trễ kia xảy ra”.