Mới đây, trong dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị 16 UBND quận, huyện khảo sát, đề xuất một trong 9 mô hình cho thuê vỉa hè ở 123 tuyến phố và chia làm 2 giai đoạn để thực hiện. |
Trong đó, 11 quận được khảo sát cho thuê gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và 5 huyện gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng. |
Thực tế, nhiều vỉa hè tại một số tuyến đường được chọn thí điểm vẫn đang bị chiếm dụng để trở thành nơi phục vụ kinh doanh, buôn bán. |
Trên phố Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), các phương tiện bị xếp ngang dọc, chiếm dụng gần hết phần vỉa hè để kinh doanh quán ăn. |
Nhiều khu vực vừa trở thành bãi để ô tô, xe máy, vừa là địa điểm kinh doanh. Để đi qua khu vực, người dân phải "luồn lách" đi bộ qua các phương tiện dừng đỗ hoặc chọn đi xuống lòng đường. |
Tại quận Đống Đa, vỉa hè phố Chùa Bộc cũng thuộc diện nghiên cứu áp dụng một trong 9 mô hình để cho thuê. Theo bà Lan, chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Chùa Bộc, việc kinh doanh của gia đình phải gắn với chỗ để xe. Với mặt bằng như tại tuyến phố, việc áp dụng cho thuê từ 20-40.000 đồng/1m2 không phải rẻ nhưng chấp nhận được. "Nếu được áp dụng cho thuê thì tốt quá vì vỉa hè là vấn đề đau đáu của người dân kinh doanh như chúng tôi bao lâu nay. Nếu được triển khai, các đơn vị về đây kinh doanh cũng được tạo điều kiện về mặt bằng để buôn bán lâu dài", bà Lan cho biết. |
Các hộ kinh doanh tại phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) ngang nhiên bày bán hàng hóa trên vỉa hè. |
Nhiều tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm là địa điểm được nghiên cứu cho thuê. Tuy nhiên, một số cửa hàng tại đây tranh thủ "xí phần" trên vỉa hè để kinh doanh. |
Do diện tích nhỏ, nhiều cửa hàng chỉ đủ diện tích làm nơi chế biến; khách hàng, bàn ghế và phương tiện chiếm trọn vỉa hè. |