Theo Cục Đăng kiểm, việc kiểm định các đoàn tàu của dự án được thực hiện từ tháng 8/2019. Giấy chứng nhận này chỉ có hiệu lực tới khi hết vận hành thử.
Sau khi xong chạy thử toàn hệ thống, đơn vị tư vấn độc lập (Pháp) tổ chức đánh giá đạt và cấp giấy chứng nhận an toàn cho hệ thống đường sắt này, Cục Đăng kiểm sẽ cấp giấy kiểm định chính thức.
Theo Cục Đăng kiểm, việc kiểm tra các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Việc kiểm định thực hiện với 23 hạng mục ở trạng thái tĩnh và có cấp điện, kiểm tra vận hành trên tuyến.
Trước đó, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến vận hành thử toàn hệ thống từ đầu tháng 12/2019. Thời hạn vận hành thử trong 20 ngày. Đây là cơ sở để đánh giá an toàn, nghiệm thu và bàn giao để khai thác thương mại.
Tuy nhiên, do Tổng thầu (Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa xây dựng đầy đủ đề cương an toàn chạy tàu nên phía chủ đầu tư không đồng ý cho Tổng thầu thực hiện vận hành thử toàn hệ thống. Do đó, tới nay dự án vẫn chưa thể vận hành thử, và gần như chắc chắn dự án sẽ không thể hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong năm 2019.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km, đi trên cao, với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, tổng sức chở 960 hành khách. Trong đó hai toa ở hai đầu buồng lái có sức chở 230 người, với 36 ghế ngồi và 194 chỗ đứng.