Sau khi báo Tiền Phong có loạt bài phản ánh về lùm xùm việc sử dụng tàu cá đóng bằng tiền do Tổng LĐLĐ đứng ra kêu gọi quyên góp và giao cho Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh (Lý Sơn) quản lý, để vừa khai thác vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, Tổng LĐLĐ đã có phản hồi về sự việc này.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng LĐLĐ đã nhận được đơn đề nghị kiểm tra của ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã yêu cầu LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi thành lập đoàn kiểm tra và báo cáo về sự việc.
“Quan điểm của Tổng Liên đoàn là không bao che, nghiêm túc xử lý các sai phạm nếu có. Sai đến đâu xử lý đến đó; đồng thời, yêu cầu các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn chấn chỉnh, thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính, tài sản của tổ chức Công đoàn, sử dụng đúng mục đích. Tổng Liên đoàn sẽ tiến hành các bước kiểm tra, và sẽ thông tin khi có kết luận”, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.
Tàu vỏ thép QNg 96317 TS trị giá 10,5 tỷ đồng đóng từ tiền quyên góp của nhân dân cả nước được giao cho Nghiệp đoàn An Vĩnh để ra khơi bám biển, giờ đã được cho tỉnh khác thuê không biết số phận ra sao. Ảnh: PV |
Như Tiền Phong đã phản ánh, Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) được giao tàu vỏ thép trị giá 10,5 tỷ đồng đóng từ tiền quyên góp của nhân dân cả nước, trong chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng LĐLĐ phát động năm 2014. Chương trình nhằm huy động sự chung tay của cả nước để tặng tàu cho ngư dân Lý Sơn bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Khi hoàn thành, tàu trên được giao lại cho một ngư dân của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh khai thác, hàng năm đóng lại cho quỹ của nghiệp đoàn 250 triệu đồng, sau đó giảm còn 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ngư dân nhận khai thác tàu trên hiện đã chuyển cho một người khác ở tỉnh Bình Định khai thác.
Ngoài ra, Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh còn bị các đoàn viên khiếu nại liên quan tới chi tiêu tài chính cũng như các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, nên một số ngư dân đã rời nghiệp đoàn.