Vì sao nhiều ngư dân Lý Sơn bỏ nghiệp đoàn?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi còn 2 nghiệp đoàn nghề cá là An Hải và An Vĩnh (nguyên xã An Hải và An Vĩnh, nay không còn cấp xã). Trước những thông tin lùm xùm về thu chi tài chính ở Nghiệp đoàn An Vĩnh, ngư dân chia sẻ về việc làm của Nghiệp đoàn An Hải đã giúp cho bà con có được điểm nương tựa, nên ngư dân luôn xin vào nghiệp đoàn nghề cá này.

Ngư dân huyện đảo Lý Sơn khi ra khơi đánh bắt thường có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Ông Nguyễn Quốc Chinh, phụ trách Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (năm 2020 huyện Lý Sơn bỏ đơn vị hành chính cấp xã nên chỉ còn gọi là Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, An Hải) cho biết, ở quần đảo Hoàng Sa là nơi bà con ngư dân thường bị tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi. Vì vậy, nghiệp đoàn luôn nhắc nhở đoàn viên rằng, cái tên Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh hay An Hải chỉ mang tính tương đối, mỗi khi có người hoạn nạn thì bà con nên tổ chức đến hỗ trợ nhau.

Vẫn như “người một nhà”

Vì sao nhiều ngư dân Lý Sơn bỏ nghiệp đoàn? ảnh 1

Tàu cá QNg 66074 TS của ông Trần Hiền (Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, Lý Sơn) vào bờ sau khi bị Trung Quốc đập phá, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa (chụp ngày 15/8/2014). Ảnh: Lê Văn Chương

Nhìn chung, ngư dân ở Nghiệp đoàn nghề cá An Hải thường có nhiều vụ tới tham gia giúp đỡ ngư dân ở Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh. Một trong những vụ điển hình được ông Nguyễn Quốc Chinh cung cấp, đó là vào ngày 12/11/2021, tàu đánh cá QNg 96779 của ngư dân Nguyễn Văn Đại (ở thôn Tây An Vĩnh) đánh bắt tại đảo Bom Bay, quần đảo Hoàng Sa và kêu cứu. Các ngư dân trình bày tàu đang bị mắc vào gò cạn và nếu không cứu khẩn cấp thì có thể tàu sẽ chìm.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn chưa nghe báo cáo (!?)

Chiều 26/4, PV Tiền Phong liên hệ với bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) để trao đổi về việc nhiều ngư dân ở An Vĩnh rời bỏ nghiệp đoàn, cũng như “số phận” của chiếc tàu cá vỏ thép tình nghĩa cả nước góp cho ngư dân Lý Sơn gìn giữ biển đảo nhưng đã được đưa sang tỉnh khác cho thuê (báo Tiền Phong đã phản ánh ngày 25/4). Bà Hương cho biết, chưa nghe báo cáo trực tiếp nên chờ để kiểm tra lại.

Ông Chinh thấy đó là người của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh nên hỏi ngư dân về việc liên hệ với nghiệp đoàn để những đoàn viên ở An Vĩnh đang ở tọa độ gần nhất tới hỗ trợ giúp đỡ. Tuy nhiên, các ngư dân điện vào bờ cho biết, không liên lạc được với đài canh của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và mong nghiệp đoàn nghề cá An Hải đưa ngư dân tới giúp. Ông Chinh điện kiểm tra và tìm ra được tàu cá QNg 96642 TS đang ở cách đó vài chục hải lý nên vận động bà con tới cứu giúp nhau. Theo lẽ thường, các ngư dân đều hỏi “người của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh đâu?” thì ông Chinh giải thích, lúc này thì không cần phải phân biệt ở đơn vị nào, cứu nhau là trên hết.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ các đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá An Hải liên lạc để hỗ trợ cứu tàu cá của Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh. Những vụ hết sức nghiêm trọng và các đoàn viên ở Nghiệp đoàn nghề cá An Hải cứu nạn thành công như vụ tàu cá QNg 96307 TS của ngư dân Nguyễn Văn Hộ, thuộc Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, trên tàu có 13 ngư dân đang thả trôi ở bãi ngầm Macclesfield thuộc vùng biển quốc tế giữa biển Đông thì bị tàu Trung Quốc đâm va gây chìm. Vụ việc trên xảy ra vào chiều ngày 22/10/2018. Tàu cá QNg 96789 TS của ngư dân Dương Văn Lành, thuộc Nghiệp đoàn nghề cá An Hải được anh em trong nghiệp đoàn động viên “phải tới cứu người ngay lập tức”. Sau đó toàn bộ 13 ngư dân đang ôm can nhựa trôi dạt đã được tàu của ông Lành đến cứu vớt đưa vào bờ an toàn...

Hai trong số rất nhiều vụ việc đoàn viên trong Nghiệp đoàn nghề cá An Hải ra tay hỗ trợ này nhiều ngư dân còn nhớ. Dù thuộc hai nghiệp đoàn khác nhau, nhưng khi gặp nguy khốn, các ngư dân vẫn xem nhau là “người một nhà” không hề phân biệt. Mỗi chuyến hỗ trợ như vậy, các ngư dân trở về đều được nghiệp đoàn động viên, chia sẻ, biểu dương kịp thời, làm cho mọi người thấy được nghĩa vụ của mình và gắn bó với nghiệp đoàn.

Giải quyết vấn đề tâm tư cho ngư dân

Hiện nay, Nghiệp đoàn nghề cá An Hải vẫn duy trì với 48 tàu với 598 đoàn viên. Tuy nhiên, trong danh sách của Liên đoàn Lao động huyện Lý Sơn thì Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh chỉ còn 12 tàu đánh bắt xa bờ với 103 đoàn viên ngư dân. Trong khi khoảng 5 năm về trước, Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh có tới 139 tàu, nhưng số tàu cá này hiện nay tại sao lại rời khỏi nghiệp đoàn?

Khi phóng viên tiếp cận một số thành viên Nghiệp đoàn An Vĩnh thì bà con có những ý kiến thắc mắc về việc thu chi, tài chính, việc hỗ trợ đối với ngư dân chưa được sâu sát. Tuy nhiên, có một số chủ tàu tỏ ra “ngại” với báo chí nên không nói rõ vì sao không còn mặn mà với nghiệp đoàn nghề cá. Ông Nguyễn Quốc Chinh, phụ trách Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, Ủy viên Ban chấp hành Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam khẳng định “có nhiều nguyên nhân khiến đoàn viên rút khỏi nghiệp đoàn, trong đó có vấn đề không rõ ràng về tài chính”. Ông Chinh cho biết, đã có ý kiến nhiều lần và nhiều đoàn viên tỏ ý bức xúc.

Từ năm 2012 đến nay, tổng số tiền và hiện vật mà doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân cả nước đóng góp cho hai nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn là gần 11 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết, số tiền trên là rất lớn, nên việc công khai minh bạch là luôn cần thiết để đáp lại sự tri ân của người dân cả nước, đồng thời làm cho các đoàn viên tin tưởng gắn bó với nghiệp đoàn nghề cá, tiếp tục ra khơi bám biển Hoàng Sa.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.