Tàu 3 tỷ đắp chiếu, ai phớt lờ chỉ đạo của thành phố?

Tàu hút bùn xuống cấp từng ngày. Ảnh: Tuấn Minh
Tàu hút bùn xuống cấp từng ngày. Ảnh: Tuấn Minh
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Vũ Quảng Sương, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư - Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nói rằng, tàu hút bùn không thể đưa vào khai thác vì gặp nhiều vướng mắc và do nhiều sở, ngành chưa thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố. 

Ông Sương cho hay: Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất là công việc mà Cty rất quan tâm, vì như vậy sẽ giảm được chi phí, tăng năng suất và tiết kiệm cho ngân sách. Môi trường làm việc của ngành thoát nước rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, nên nếu áp dụng được KHCN, sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Hiện nay, tỷ lệ công việc được cơ giới hóa đã đạt 50-65%. 

Thưa ông, tại sao tàu hút bùn đắp chiếu gần 4 năm mà vẫn không được đưa vào khai thác?

Đây là dự án nghiên cứu giữa Sở KHCN phối hợp với Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) thực hiện từ năm 2006 đến 2009. Đến cuối năm 2009, sau khi đề tài hoàn thành thì đưa vào vận hành thử nghiệm cần có mặt bằng, phạm vi tác nghiệp nên chúng tôi hỗ trợ, tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu Cơ khí lắp thiết bị trên sông Tô Lịch, hỗ trợ nhiều thiết bị kèm theo. Sau đó Sở KHCN, Viện Nghiên cứu Cơ khí có đề nghị chuyển giao cho Cty Thoát nước. Sau khi thử nghiệm, bên Viện không có mặt bằng do vậy đề nghị chúng tôi tạm trông giữ hộ tại Trạm bơm Yên Sở và vì vậy mới có biên bản bàn giao cho đúng nguyên tắc. Đúng là chúng tôi có lỗi về văn bản khi đã không ghi rõ thêm là bàn giao để trông giữ thôi.

Ngày 26/8/2013, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký văn bản yêu cầu Sở KHCN chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Xây dựng, Cty Thoát nước... đề xuất xử lý và giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc đưa tàu nạo vét bùn vào sử dụng có hiệu quả, báo cáo thành phố trong tháng 9/2013.

Ngoài ra, chuyển giao tài sản thì phải đúng quy định. Giá trị của đề tài nghiên cứu là 3 tỷ đồng nhưng để định giá đưa vào tài sản doanh nghiệp thì không thể giữ nguyên là 3 tỷ được mà phải có hội đồng định giá. Cty chỉ nhận sản phẩm sử dụng hiệu quả cuối cùng. Với tất cả các sản phẩm ứng dụng KHCN thì đều phải có quy trình và từ quy trình thì mới ra được định mức và đơn giá. Để quy trình ra sản phẩm cuối cùng thì phải có đầy đủ như điều kiện mớn nước bao nhiêu thì thả được tàu, vận hành hút ra sao, bơm thổi lên bao nhiêu, quy trình vận chuyển từ bãi đỗ trên bờ về nơi tập kết... Quy trình đó phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ quy trình chúng tôi mới dựng định mức, từ đó trình thành phố xem xét phê duyệt và xây dựng đơn giá.

Vướng mắc như vậy, Cty có kiến nghị với thành phố chưa?

Ngay từ năm 2011 chúng tôi đã có văn bản gửi Sở KHCN, Viện Nghiên cứu Cơ khí nêu rõ các vướng mắc này. Ngày 8/7/2013, chúng tôi lại có báo cáo gửi HĐND thành phố kiến nghị về việc này. Ngoài ra chúng tôi và các cơ quan liên quan đã có rất nhiều buổi làm việc trao đổi với nhau. Chúng tôi không thể đứng ra làm thay các cơ quan chức năng được và ngay cả UBND thành phố cũng giao Sở KHCN là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở ngành (Tài chính, Xây dựng) để xử lý vụ việc. Chúng tôi kiến nghị Sở KHCN thực hiện chỉ đạo của thành phố sớm đưa tàu vào khai thác, tránh lãng phí.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.