Hà Nội:

Tập trung đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm lên quận

0:00 / 0:00
0:00
Tập trung đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm lên quận
TPO - Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, trước mắt, thành phố tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí.

Chuyển khu công nghệ cao Hoà Lạc về thành phố quản lý

Sáng 1/12, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.

Ông Dũng cũng yêu cầu cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ thời tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bí thư Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, gồm: Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành việc điều chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý...

Sớm đưa Đông Anh, Gia Lâm lên quận

Về tài chính - ngân sách, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021. Đây là mức tăng khá cao; thành phố phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi để tổ chức đấu thầu, đấu giá thu vào ngân sách nhà nước, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách...

Ông Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất về chủ trương đối với quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố năm 2022. Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương rà soát, điều chỉnh tổng thể quy định phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố để trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, thông qua trong kỳ họp giữa năm 2022.

Về vấn đề đầu tư công, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2021 bảo đảm đạt mức bình quân chung của cả nước; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước.

Đối với kế hoạch năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất cao chủ trương dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; đầu tư thiết chế văn hóa, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa; thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho các địa phương còn khó khăn để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn.

Đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, trước mắt, thành phố tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí.

Ông Dũng cũng cho biết, về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khi được ban hành sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để các cấp, các ngành của thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội, để từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển xanh và bền vững.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng thống nhất cao sự cần thiết ban hành 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố và công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện và trình Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành theo thẩm quyền.

MỚI - NÓNG