Tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước và nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, cần thông qua tiền kiểm nội dung đúng với quy định của Luật Báo chí và các nghị định chuyên ngành về lĩnh vực phát thanh truyền hình, song song với hậu kiểm theo chuyên đề, để bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp OTT trong nước và xuyên biên giới; đồng thời, tránh việc tác động xấu đến chính trị, văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Trong khuôn khổ Hội thảo "Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hoá tư tưởng của tuổi trẻ" mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã có tham luận với chủ đề "OTT xuyên biên giới: Mối nguy lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Biên cương văn hóa tư tưởng Việt Nam trên không gian mạng đang bị xâm hại nghiêm trọng nếu không có chế tài hợp lý".

Tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước và nước ngoài ảnh 1

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, đã nêu ra bức tranh tổng thể liên quan đến dịch vụ OTT. Tất cả các đơn vị trong nước khi cung cấp dịch vụ OTT đều phải đăng ký và được cấp phép, chịu sự tác động của Luật báo chí, Luật Điện ảnh và các nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

Hầu như các đơn vị đều tuân thủ quy định, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện nghĩa vụ trích nộp ngân sách Nhà nước, đóng đầy đủ các loại thuế, phí, đặc biệt là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động cả nước.

Trong khi đó, hầu hết các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không qua đăng ký cấp phép, máy chủ đặt tại nước ngoài, vi phạm Luật Quảng cáo, trốn thuế, nội dung không qua kiểm duyệt, rất nhiều nội dung xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, xuất hiện đầy rẫy hình ảnh kích động bạo lực, khiêu dâm, vi phạm sâu nặng thuần phong mỹ tục tại Việt Nam...

Theo ông Cường, tình trạng rất nhiều các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân do các chủ thể tham gia vào hoạt động nội dung trên Google và YouTube đều có sai phạm.

Nhiều nội dung xấu, độc, nội dung nhảm nhí, khiêu dâm, bạo lực, cờ bạc còn nhan nhản trên YouTube.

Ngoài ra, còn có một sai phạm nghiêm trọng khác là YouTube vẫn cho phép bật tính năng suggest (đề xuất) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,1%), nhưng lại bị phát tán, lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng này. Bên cạnh đó còn có vi phạm quảng cáo... của Facebook.

Tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước và nước ngoài ảnh 2

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo.

Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, hiện gần 80% thị phần OTT tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan, thì các đơn vị của nước ngoài gần như không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt hay chế tài luật pháp nào. Điều này khiến OTT trong nước rơi vào cuộc chiến bất bình đẳng, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Cần xử phạt tiền thật nặng, rút giấy phép

Ông Lê Đình Cường cho rằng, cần đảm bảo việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, an ninh thông tin truyền thông trên không gian mạng và tạo sự công bằng trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chương trình, truyền hình, viễn thông trong nước.

Bởi thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam kiến nghị, chưa thực hiện việc cấp phép các đơn vị nước ngoài hoạt động xuyên biên giới khi chưa hội đủ các điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung chương trình theo quy định Luật Báo chí Việt Nam.

Theo ông Cường, quan điểm chung của Hiệp hội là các đơn vị OTT nước ngoài vào Việt Nam nhất thiết phải qua cấp phép và tuân thủ đúng quy định về biên tập, biên dịch, kiểm duyệt theo Luật Báo chí (tiền kiểm) chứ không né tránh để hậu kiểm.

"Nếu hậu kiểm thì vô hình trung để chuyện xảy ra rồi các cơ quan chức năng mới tiến hành giải quyết, xử lý, như thế rất nguy hiểm và là nguy cơ để các sản phẩm phim ảnh xấu độc chạy trên các nền tảng mạng xã hội có cơ hội lan truyền, khi đó hệ lụy sẽ khôn lường cho các thế hệ mai sau của đất nước.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan khi trình Quốc hội dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung vẫn còn đủ thời gian cân nhắc thiệt – hơn từ đó điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước", ông Cường kiến nghị.

Về chế tài xử lý đối với các nhà OTT xuyên biên giới sai phạm, lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho rằng, nhất thiết các đơn vị OTT nước ngoài khi vào Việt Nam phải làm thủ tục đăng ký cấp phép theo quy định giống như các đơn vị OTT trong nước. Nếu sau khi cấp phép mà vi phạm, cần quy định mức xử phạt bằng tiền thật nặng hoặc rút giấy phép.

MỚI - NÓNG