Không đơn giản để trở thành đại biểu dân cử
Mặc dù số lượng người tự ứng cử lọt vào “vòng chung kết” để cử tri bầu ngày 22/5 tới không nhiều, song điều dễ nhận thấy là số lượng người tự ứng cử tăng lên đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Theo ông thực tế này nói lên điều gì?
Đó là một tín hiệu đáng mừng, vì người dân đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của Quốc hội. Và quan trọng hơn, người dân không chỉ quan tâm mà còn muốn tham gia đóng góp, đem trí tuệ, nhiệt huyết của mình tham gia vào các hoạt động của Quốc hội, để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng pháp luật, rồi trong các hoạt động giám sát…
Có người tự ứng cử bị loại ngay từ thời điểm lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, có người thì bị loại rất đáng tiếc tại vòng hiệp thương lần ba. Ông đánh giá thế nào về những người tự ứng cử?
“Trong vận động bầu cử, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng và quan trọng hơn cả là làm thế nào để có thể khắc phục được hình thức. Do vậy phải tuyên truyền để thu hút được người dân quan tâm đến Quốc hội thực sự, quan tâm đến việc lựa chọn trên cơ sở cân nhắc kỹ càng, xem người này được hay người kia xứng đáng hơn”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn
Về người tự ứng cử, có những người tôi biết thông qua phương tiện thông tin đại chúng, có người qua hoạt động thực tế, có người lần đầu tiên nghe tên… Nhưng tôi thấy nhiều người hoàn toàn đủ điều kiện trở thành đại biểu Quốc hội và tôi tin họ sẽ có những đóng góp thực sự có hiệu quả. Tuy nhiên ngược lại tôi cũng có chút lo lắng, bởi có thể có những trường hợp chưa hiểu một cách thực sự đầy đủ về Quốc hội.
Tôi là người phục vụ Quốc hội rất nhiều khóa và đã là đại biểu Quốc hội, tôi biết rõ về câu chuyện ấy. Có thể nhiều khi chúng ta cứ nghĩ một cách đơn giản, nhưng để trở thành đại biểu Quốc hội một cách thực sự thì không hề đơn giản.
Lý giải về việc một số ứng viên tự ứng cử bị loại sau vòng hiệp thương lần ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một địa phương cho rằng, các trường hợp được đưa vào danh sách đều đủ điều kiện, tín nhiệm, nhưng với số lượng, cơ cấu, thành phần được phân bổ có hạn nên (nói nôm na là) phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Ông thấy sao về điều này?
Để Quốc hội thực sự là một cơ quan quyền lực cao nhất, phải lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất. Trước kia, nhiều khi chúng ta bị ràng buộc về cơ cấu, có những đại biểu cơ cấu, phải nói rằng bản thân họ cũng rất băn khoăn, dù chúng ta thấy họ đã có rất nhiều cố gắng, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Có thể nói điều này không thực sự dễ dàng đối với họ. Tôi hi vọng khóa này những đòi hỏi thuần túy về cơ cấu sẽ giảm đi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn.
Công bằng khi xếp bảng
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là công tác vận động bầu cử của các ứng viên. Cử tri có sáng suốt, lựa chọn được người ưu tú nhất hay không phụ thuộc khá nhiều vào quá trình vận động bầu cử. Vậy theo ông công tác này nên tiến hành như thế nào để cử tri hiểu rõ được từng ứng viên trước khi bầu?
Việc vận động bầu cử thường có hai hình thức, thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi vận động bầu cử, các ứng viên phải giới thiệu về bản thân, về chương trình hành động đầy đủ của mình để cử tri tin tưởng, lựa chọn bầu. Song để cử tri hiểu hơn về các ứng viên, theo tôi tại các lần tiếp xúc cử tri, các địa phương cần phải tạo nhiều cơ hội để các ứng cử viên có thể gặp gỡ được nhiều cử tri ở nhiều tầng lớp, nhiều giai tầng trong xã hội. Làm sao để các ứng cử viên có nhiều cơ hội để trình bày về họ để cử tri biết và lựa chọn.
Đặc biệt trong vận động bầu cử, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng và quan trọng hơn cả làm thế nào để có thể khắc phục được vấn đề hình thức. Do vậy phải tuyên truyền để làm sao có thể thu hút được người dân quan tâm đến Quốc hội thực sự, quan tâm đến việc lựa chọn trên cơ sở cân nhắc kỹ càng, xem người này được hay người kia xứng đáng hơn.
Có ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn ứng cử viên xứng đáng để bầu vào Quốc hội, cần tổ chức tranh cử thật sự cho các ứng viên. Ông nghĩ sao về điều này?
Hiện nay việc vận động bầu cử của chúng ta có khác với các quốc gia khác. Mỗi một đơn vị bầu cử ở các nước có hai, ba ứng viên hoặc nhiều hơn nữa, nhưng họ chỉ lựa chọn một người thôi. Do vậy ai muốn trúng cử thì phải có trình độ, năng lực thực sự, đủ khả năng để thuyết phục cử tri. Để lấy được phiếu của cử tri với họ không hề đơn giản.
Còn ở ta, việc thực hiện công tác bầu cử có khác một chút. Khi thảo luận về Luật Bầu cử, tôi cũng đã tính đến việc sau này sẽ không theo tỉnh nữa mà nên theo vùng. Nghĩa là mỗi một vùng chỉ lấy một nghị sĩ thôi, còn ứng viên thì tùy, có thể hai, có thể ba nhưng lựa chọn thì chỉ có một. Lúc đó tính tranh cử sẽ rõ ràng hơn. Còn bây giờ chúng ta vẫn đang làm như trước đây là theo hình thức xếp bảng.
Vậy phải làm thế nào để việc sắp xếp theo bảng có được sự công bằng tối đa, thưa ông?
Bây giờ việc sắp xếp ứng viên vào các bảng đều do các tỉnh làm chứ không phải bốc thăm ngẫu nhiên. Theo tôi cần sắp xếp các ứng viên ở các bảng phải tương đối đều nhau, để người ta thấy việc đi bầu không hình thức. Nếu trong một bảng, các ứng viên chênh lệch nhau quá thì không ổn. Nhìn trong một bảng mà có mấy lãnh đạo và mấy người ở cơ sở thì rõ ràng có sự chênh lệch rồi.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn thấy một người gánh quá nhiều cơ cấu. Ông mong muốn gì về điều này ở lần bầu cử tới?
Tôi tin rằng lần này sẽ khác đi. Qua theo dõi thấy ở các địa phương cũng bày tỏ nguyện vọng, chủ động đặt vấn đề địa phương họ muốn những thành phần đại biểu như thế này, như thế kia, trong khi trước kia cứ Trung ương phân bổ thế nào thì thực hiện răm rắp theo như vậy. Rồi bên cạnh đó địa phương cũng sẽ phải cân nhắc, ví dụ một cơ cấu được phân bổ về, người ta sẽ cố gắng ở mức cao nhất chọn được người tốt nhất ở nhóm cơ cấu ấy. Chẳng hạn có thành phần nữ giới trẻ, họ phải cân nhắc để chọn được người xứng đáng nhất vào Quốc hội. Tôi hi vọng từ lần bầu cử này sẽ có một bước đổi mới hơn nữa về việc lựa chọn người giới thiệu để cử tri bầu.
Cảm ơn ông.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân: Tuyên truyền phải công bằng giữa các ứng viên
Việc phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về địa phương phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương không tập trung quá vào một vùng nào, để đảm bảo hài hòa hợp lý.
Trong hoạt động tuyên truyền bầu cử phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các ứng cử viên, không phải đi tuyên truyền quá sâu, quá đậm về người có chức, có quyền ở Trung ương và địa phương, mà những ứng cử viên khác lại nói mờ nhạt. Tivi đưa người này hai phút thì người kia phải hai phút, chứ không phải một anh nói năm phút, còn một anh lại không xuất hiện là không được. Bên cạnh đó cũng phải tập huấn để người ta làm chương trình hành động xúc tích, ngắn gọn để trình bày trước cử tri. Điều này ứng cử viên mới chưa có kinh nghiệm, nên cần phải tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: Tận dụng kênh chính thống để vận động
Theo quy định hiện có hai hình thức vận động bầu cử: Qua tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Về hình thức thứ nhất, các địa phương đều cố gắng tối đa hóa số cử tri đến dự, tuy nhiên việc này cũng khó khăn, đôi khi chỉ là vấn đề chỗ ngồi nên mỗi hội nghị nhiều lắm cũng chỉ vài trăm người dự. Mỗi đơn vị nhiều nhất chỉ tổ chức được 5 - 7 cuộc tiếp xúc cử tri, như vậy cũng chỉ được hơn 1.000 người đến dự. So với tổng số cử tri, số lượng ấy không đáng kể. Vì thế ứng cử viên nên tận dụng kênh vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật quy định, các địa phương phải đảm bảo bình đẳng như nhau giữa các ứng cử viên trong việc trình bày chương trình hành động, bình đẳng trong thời lượng trên báo, đài. Luật cũng không cấm hình thức vận động, tuyên truyền trên mạng xã hội, nhưng chúng ta đều hiểu, việc vận động bầu cử chỉ diễn ra ở địa phương nơi ứng cử. Nếu ứng viên ở vùng sâu vùng xa mà vận động qua mạng xã hội thì có thể ít người biết đến. Vì thế các ứng viên nên cố gắng tận dụng các kênh chính thống để vận động bầu cử.
Thành Nam (ghi)