Vận động có tổ chức
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương (T.Ư) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật thì việc vận động bầu cử chia ra làm nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn hiệp thương, MTTQ sẽ tổ chức hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn, hoặc tại các cơ quan tổ chức để lấy ý kiến cử tri về ứng cử viên ĐBQH. Sau đó mới đến giai đoạn vận động bầu cử thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri. “Theo quy định của pháp luật thì các hội nghị trên phải do Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức, chứ các cá nhân không được tự đứng ra tổ chức. Quy định như thế nhằm ngăn chặn tình trạng dụ dỗ, mua chuộc lá phiếu của cử tri”, ông Đường nói.
Trước ý kiến cho rằng, số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri là quá ít dẫn đến tình trạng “bỏ phiếu nhưng không biết ứng cử viên là ai, có cương lĩnh tranh cử như thế nào”, ông Đường cho rằng, số lượng không hề ít. Từ thực tế tham gia ứng cử ĐBQH khóa X, mỗi ứng cử viên có đến 10 - 20 cuộc tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ cho rằng, việc vận động bầu cử của các ứng cử viên phải theo đúng quy định của pháp luật. “Việc vận động bầu cử ở Việt Nam chúng ta khác với những nước khác là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức. Trong hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi ứng cử viên được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử về cơ bản là như nhau. Người ứng cử không được hứa những thứ không đúng, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri”, ông Pha nói.
Về việc vận động bầu cử qua mạng xã hội, theo ông Pha hiện nay không có quy định nào về việc vận động qua mạng. Nhưng theo luật, các hình thức vận động là qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ tổ chức và qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. Tuy nhiên, GS Trần Ngọc Đường cho rằng “luật không cấm thì những người tự ứng cử hoàn toàn có thể thực hiện”.
Cởi mở, tự do hơn
Về con số hơn 100 người tự ứng cử ĐBQH ở Hà Nội và TPHCM, trong đó có nhiều gương mặt nổi tiếng như nhà báo Trần Đăng Tuấn, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, ca sĩ Mai Khôi… ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho rằng, đó là một sự hứng khởi trong nhân dân. “Nếu người dân cảm thấy bằng lòng với những gì ứng viên đã làm, đem lại hiệu quả thực sự cho dân, dân đánh giá cao và ủng hộ cho họ thì đấy là việc đáng hoan nghênh. Họ muốn đóng góp vào công việc chung mà không bị ràng buộc, sức ép gì cả. Qua đó cho thấy sự cởi mở, tự do khác với các thời kỳ trước”, ông Kim nói.
Ông Kim khẳng định, không có rào cản nào đối với những người tự ứng cử. Chỉ có những gì thuộc về định kiến hẹp hòi thì mới ngăn cản người tự ứng cử. “Chúng ta hoàn toàn yên tâm là bây giờ thông tin được cập nhật rất nhanh. Những gì liên quan đến cử tri, đến người ứng cử đều lan tỏa khắp nơi. Nên sẽ không có chuyện nơi này, nơi kia gây khó dễ”, ông Kim nói.
Theo ông Kim, đối với những người tự ứng cử thì không cần phải có cơ cấu. Người dân sẽ so sánh giữa các ứng cử viên, ai có chương trình hành động tốt, thuyết phục thì người dân sẽ chọn. “Với điều kiện cạnh tranh như thế này để phù hợp với một xã hội phát triển thì phải tìm được người tài. Cho nên đừng chủ quan. Điều quan trọng nhất là tiếng nói của người dân, sự tín nhiệm của người dân đối với các ứng cử viên ra sao”, ông Kim nhấn mạnh.