Tạo dấu ấn đặc trưng cây xanh đường phố

TP - Cơ quan chức năng Hà Nội tiến hành kiểm tra, khảo sát cây xanh trên toàn thành phố và thay thế những cây không đảm bảo an toàn, kể cả cây to lâu năm. Trong đó sẽ thay thế loại bỏ dần những cây xanh dễ đổ gãy nhằm chuẩn hóa cây xanh đô thị.
Tạo dấu ấn đặc trưng cây xanh đường phố ảnh 1

Thay thế cây xanh trên đường Nguyễn Trãi

Theo thống kê của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, tổng số cây xanh 9 quận là hơn 44.500 cây các loại. Trong số này đa phần là những cây lâu năm đã bộc lộ nhiều bất cập khi có mưa gió. Điển hình như cây xà cừ, một loại cây xanh lâu năm có bộ rễ chùm tốn đất, tán rộng nhưng rất dễ bị đổ gãy. Bên cạnh đấy là những loại cây có rễ chùm không chống chịu được mưa bão lớn kéo dài. Chính vì vậy sau đợt mưa bão vừa qua, tại Hà Nội đã có nhiều cây xanh bị gãy đổ và phần lớn là các cây cổ thụ như xà cừ, muồng…“Hiện chúng tôi đang rà soát để có đánh giá toàn diện và thay thế dần các cây xanh không đảm bảo an toàn, kể cả cây to lâu năm”- đại diện Cty Công viên cây xanh cho biết.

Điều đáng nói, hệ thống cây xanh nhiều khu vực “lôm côm”, khi mà các tuyến phố được trồng nhiều loại cây khác nhau, trong đó nhiều loại cây không thuộc nhóm cây trồng cho đô thị. Đơn cử trên đường Nguyễn Trãi có 597 cây bóng mát được trồng hai bên vỉa hè và trên dải phân cách giữa đường dành cho xe buýt và đường giao thông. Các loại cây trồng chủ yếu ở đây là xà cừ, lát hoa, phượng, còn dải phân cách cây trồng chủ yếu là keo. Một số loài cây không thuộc loại cây đô thị như bàng, dâu da, dướng, keo, trứng cá, vông, xoan. Đặc biệt trong số này có những cây cong nghiêng, sâu mục gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cần được chặt hạ, thay thế để đảm bảo cảnh quan, an toàn giao thông.

“Trong tháng 11 này chúng tôi sẽ chặt hạ 275 cây trên tuyến đường Nguyễn Trãi trong tổng số 579 cây được trồng trên hai bên vỉa hè, dải phân cách. Việc thí điểm chỉnh trang cây trên đường Nguyễn Trãi nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống cây bóng mát của tuyến đường và sẽ rút kinh nghiệm để triển khai trên các tuyến phố khác của Hà Nội”, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết.  

Sở Xây dựng Hà Nội hiện đang phối hợp với các ngành, quận, huyện, thị xã trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thành phố phê duyệt. Theo đó, phát triển chỉ tiêu cây xanh khu vực đô thị theo quy hoạch sẽ tiến hành bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố như Nguyễn Du, Lò Đúc, Phan Đình Phùng… Các tuyến đường mới mở sẽ được trồng cây; phủ xanh tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị bằng cây leo; kết hợp yếu tố thiết kế đô thị với thiết kế cảnh quan trên các tuyến đường, dải phân cách có mặt cắt ngang lớn…

“Chủ trương của thành phố là khuyến khích sử dụng tối đa các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách tham gia đầu tư xây dựng công viên, cây xanh, vườn hoa và hồ nước trên địa bàn. Trong đó thay thế dần các cây xanh để chuẩn hóa cây đô thị và việc này đang được làm trong thời gian qua”, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.