Tăng tốc tái cơ cấu ngành Thủy sản

Tàu cá của ngư dân Bình Thuận khai thác hải sản gần đảo Đá Lớn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Tàu cá của ngư dân Bình Thuận khai thác hải sản gần đảo Đá Lớn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
TP - Đến năm 2020, tỷ trọng sản lượng hải sản khai thác xa bờ phấn đấu đạt khoảng 63,6% tổng sản lượng khai thác hải sản (hiện nay là 48%), sản lượng khai thác ven bờ sẽ giảm xuống còn 36,4%. 

Đó là mục tiêu được nêu tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020 (CLTS2020) và triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy sản, được tổ chức tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), ngày 30/3.

Theo Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện CLTS2020, đến năm 2013 Bộ NN&PTNT đã hoàn thành 18/26 nhiệm vụ được đề ra, như xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (QHTS2020), chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, trình Chính phủ ban hành Nghị định về lực lượng Kiểm ngư… 

Đã đạt được 9/15 chỉ tiêu đề ra cho năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,9 triệu tấn/5,7 triệu tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,2 triệu ha/1,1 triệu ha, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD/6,5 tỷ USD…

Tuy nhiên, kết quả phát triển thủy sản chưa thể hiện tính bền vững, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, mức độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành chậm, tỷ lệ tàu công suất thấp còn lớn (tỷ lệ tàu công suất dưới 20 cv chiếm 47,3%, tỷ lệ tàu công suất trên 90 cv mới chiếm 24,4%), chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm thủy sản chủ lực… 

Tổng cục Thủy sản và các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cần tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ hoàn thành, tham gia đề xuất điều chỉnh và thực hiện các nhiệm vụ mới, để đạt được các mục tiêu của CLTS2020, Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản, QHTS2020.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các giải pháp chính bao gồm: Lựa chọn đối tượng nuôi chủ lực, tập trung sản xuất thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể; Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; Thực hiện các giải pháp đột phá, từng bước áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm phù hợp với các cam kết quốc tế.

Cũng trong hội nghị, Bộ NN&PTNT đã công bố quy hoạch thủy sản 2020. Theo đó, sẽ bố trí quy hoạch thủy sản theo 6 vùng sinh thái (Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long), với 9 đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh, nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm rong biển, tôm hùm), hình thành 6 trung tâm nghề cá vùng ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang. 

Quy hoạch khai thác hải sản định hướng tăng mạnh khai thác xa bờ, tập trung tăng các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, giảm mạnh sản lượng tôm và cá tạp, xây dựng và tổ chức thí điểm chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến, phân phối đối với cá ngừ…

MỚI - NÓNG