Thủ tướng: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng

Thủ tướng: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng
TP - Ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo các nội dung trọng tâm như quản lý chặt chẽ thị trường vàng, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống, giảm nhanh nợ xấu...

> Nhật Bản dành 1 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam

Theo báo cáo nhanh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2013 đã giảm 2% các mức lãi suất điều hành, giảm 3%/năm lãi suất cho vay VND với các lĩnh vực ưu tiên, giảm 1%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi VND, nhờ đó, lãi suất tiền vay giảm thêm 2 - 5%/năm, tương đương giai đoạn 8 năm trước. Mặc dù tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng thấp hơn 2012, nhưng hướng đi của dòng vốn thực chất hơn, thay vì dành cho các thị trường tài sản nhiều rủi ro như nhiều năm trước…

 “Dứt khoát không để xảy ra các vụ án liên ngân hàng như ACB, Huyền Như của Vietinbank hay ALC II của Agribank. Đồng thời, không để tồn tại những đơn vị yếu kém trong hệ thống”.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Cùng đó, thị trường ngoại hối và tỷ giá được điều hành linh hoạt, chỉ tiêu “phá giá” VND 2 - 3% được NHNN kiên định điều hành, dù có vài đợt sốt nóng trong năm. Đối với quản lý thị trường vàng miếng, NHNN kiên trì theo đuổi định hướng độc quyền nhà nước và loại bỏ hoạt động tín dụng vàng khỏi hệ thống tổ chức tín dụng. Kết thúc năm, qua 74 phiên đấu thầu vàng, NHNN thu lời trên 8.000 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước. Cùng đó, ngăn chặn thị trường vàng tác động xấu đến thanh khoản hệ thống và tỷ giá.

Từ góc độ NHTM, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), ông Lê Công nhận xét, dù đạt kết quả nhất định, nhưng tính bền vững hiệu quả hoạt động của ngân hàng chưa cao, đặc biệt vấn đề nợ xấu, thanh khoản, lợi nhuận ngân hàng giảm mạnh. “Năm 2013, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng ở mức thấp nhất. Năm 2014, chúng tôi đánh giá còn nhiều khó khăn thách thức hơn”, ông Công nói.

Về xử lý nợ xấu, dự kiến hết năm nay, Cty khai thác quản lý tài sản (VAMC) có thể mua được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát, lưu ý diễn biến nợ xấu tiềm ẩn phức tạp. Ông Nghĩa nhấn mạnh: “VAMC không là giải pháp giải quyết triệt để nợ xấu. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật pháp của nhiều tổ chức tín dụng còn yếu, số liệu nợ xấu tự mình báo cáo không sát với số liệu giám sát từ xa của Cơ quan thanh tra”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, ổn định tỷ giá là một trong những thành công rất lớn và cần kiên định giữ vững kết quả này. Đối với vấn đề an toàn hệ thống, theo Thủ tướng, sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa mang tính bền vững, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Nợ xấu vẫn là một trong những quan ngại lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.

“Nguy cơ đổ vỡ ngân hàng trong hệ thống có còn không, tôi thấy là có đấy. Các tổ chức WB, IMF đánh giá cao xử lý nợ xấu, ổn định hệ thống nhưng chưa hết lo”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý lạm phát mục tiêu của 2014 là 7% (cố gắng mức dưới 7%) và như vậy, điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát mục tiêu này.

Theo Thủ tướng, dứt khoát không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống, các ngân hàng thương mại không được phép huy động, cho vay vàng dưới mọi hình thức. “NHNN phải quản lý tốt thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tái cơ cấu ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm mạnh theo chương trình tái cơ cấu đã đề ra. Đối với các ngân hàng đang lành mạnh thì làm cho tốt hơn, hiệu quả hơn để lớn mạnh lên, ngân hàng lớn mạnh sẽ góp phần trực tiếp cho kinh tế phát triển. “Chúng ta đã trụ được trong những năm vừa qua, kinh tế có tín hiệu phục hồi rồi cần tiếp tục lành mạnh, hiệu quả hơn nữa. Các ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa rồi thì tiếp tục tăng cổ phần hóa lên, Nhà nước chỉ nắm 65%”- Thủ tướng nói.

Về vấn đề sở hữu chéo, nguyên nhân chính khiến hệ thống ngân hàng bị lũng đoạn, chao đảo như thời gian qua, theo Thủ tướng, phải có cách giải quyết mạnh bằng các văn bản pháp quy, ngăn chặn việc rút vốn của cổ đông lớn bằng luật pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG